Tóm tắt 1 số ý chính trong Báo cáo Tương lai Việc làm 2020

08/01/2021
746 lượt xem

Đại dịch Covid-19 gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 đã tạo ra một triển vọng không mấy chắc chắn cho thị trường lao động và sự xuất hiện của việc làm mới trong tương lai. Báo cáo Tương lai Việc làm 2020 nhằm mục đích làm sáng tỏ những ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch mang lại và dự đoán các công việc và kỹ năng áp dụng công nghệ trong 5 năm tới. Báo cáo này tổng hợp quan điểm của các lãnh đạo doanh nghiệp – giám đốc điều hành, giám đốc chiến lược và giám đốc nhân sự. Báo cáo cũng cung cấp thông tin về 15 lĩnh vực công nghiệp phát triển và mới nổi.

Tóm tắt 1 số ý chính trong Báo cáo Tương lai Việc làm 2020

Các kết quả chính của Báo cáo gồm:

  1. Tốc độ áp dụng công nghệ dự kiến sẽ không suy giảm và có thể tăng tốc ở một số khu vực. Việc áp dụng điện toán đám mây, dữ liệu lớn và thương mại điện tử vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, theo xu hướng đã hình thành trong những năm trước. Tuy nhiên, một số ngành như mã hóa, robot và trí tuệ nhân tạo cũng sẽ là những ngành nghề trọng điểm.
  2. Tự động hóa, song song với cuộc suy thoái Covid-19, đang tạo ra một kịch bản ‘gián đoạn kép’ cho người lao động. Bên cạnh sự gián đoạn hiện tại do tình trạng bế tắc do đại dịch gây ra và sự thu hẹp nền kinh tế, việc các công ty áp dụng công nghệ sẽ dẫn đến tình trạng chuyển đổi công việc và kỹ năng vào năm 2025. 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ sẽ giảm lực lượng lao động do tích hợp công nghệ, 41 % có kế hoạch mở rộng việc sử dụng các nhà thầu cho các công việc chuyên biệt và 34% có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động của họ do tích hợp công nghệ. Đến năm 2025, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau. Một số lượng lớn công ty cũng dự kiến sẽ thay đổi địa điểm, chuỗi giá trị và quy mô lực lượng lao động do các yếu tố ngoài công nghệ trong 5 năm tới.
  3. Mặc dù số lượng việc làm mất đi sẽ vượt qua số lượng “việc làm của tương lai” được tạo ra, trái ngược với những năm trước, việc tạo việc làm đang chậm lại trong khi việc mất đi việc làm tăng nhanh. Các nhà tuyển dụng kỳ vọng rằng đến năm 2025, các công việc dư thừa sẽ giảm từ 15,4% xuống 9% (giảm 6,4%) và các ngành nghề mới nổi sẽ tăng từ 7,8% lên 13,5% (tăng 5,7%). Dựa trên những số liệu này, ước tính rằng đến năm 2025, 85 triệu việc làm có thể bị thay thế do sự thay đổi trong phân công lao động giữa con người và máy móc, trong khi 97 triệu việc làm có thể xuất hiện thích ứng hơn với sự phân công lao động mới giữa con người, máy móc.
  4. Sự thiếu hụt về kỹ năng tiếp tục gia tăng khi nhu cầu về kỹ năng do công việc thay đổi trong 5 năm tới. Theo các nhà tuyển dụng, các kỹ năng và nhóm kỹ năng dẫn đầu đến năm 2025 bao gồm các nhóm như tư duy phản biện, phân tích, giải quyết vấn đề và các kỹ năng trong quản lý bản thân như học tập tích cực, khả năng phục hồi, chịu đựng áp lực công việc và sự linh hoạt. Trung bình, các công ty ước tính rằng khoảng 40% người lao động sẽ cần được đào tạo lại (thời gian đào tạo lại dưới sáu tháng) và 94% các lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo rằng họ mong đợi nhân viên có thêm các kỹ năng mới trong công việc, tăng mạnh so với mức 65% vào năm 2018.
  5. Tương lai việc làm sẽ tạo ra một lực lượng lớn lao động làm việc trực tuyến. 84% người sử dụng lao động sẽ chuyến sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc và có thể 44% lực lượng lao động của họ chuyển sang làm việc từ xa. Để giải quyết những vấn đề về năng suất và sức khỏe người lao động, 1/3 tổng số người sử dụng lao động dự kiến từng bước xây dựng tư duy làm việc cộng đồng, kết nối và tạo sự thân thuộc giữa các nhân viên thông qua các công cụ kỹ thuật số và để giải quyết những vấn đề về sức khỏe do chuyển sang hình thức làm việc từ xa mang lại.
  6. Nếu không chủ động và nỗ lực, bất bình đẳng có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn do tác động kép của công nghệ và đại dịch suy thoái. Vấn đề việc làm của những người lao động có mức lương thấp, phụ nữ và lao động trẻ bị ảnh hưởng sâu sắc hơn trong giai đoạn đầu của sự suy thoái kinh tế. So sánh với tác động của Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đối với những cá nhân có trình độ học vấn thấp hơn, tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 ngày nay đáng kể hơn nhiều và có nhiều khả năng làm sâu sắc thêm những bất bình đẳng hiện có.
  7. Học tập và đào tạo trực tuyến đang gia tăng nhưng dường như có sự khác nhau giữa những người duy trì được việc làm và những người thất nghiệp. Số lượng cá nhân tự tìm kiếm cơ hội học tập trực tuyến đã tăng gấp 4 lần, nhà tuyển dụng cung cấp cơ hội học tập trực tuyến cho nhân viên của họ tăng gấp 4 lần và số người học truy cập trực tuyến qua các chương trình của chính phủ tăng gấp 9 lần. Những người đang làm việc chú trọng nhiều hơn vào các khóa học phát triển cá nhân. Những người thất nghiệp tập trung nhiều hơn vào việc học các kỹ năng số như phân tích dữ liệu, khoa học máy tính và công nghệ thông tin.
  8. Cơ hội đào tạo lại và nâng cao trình độ của người lao động trở nên ít hơn trong bối cảnh thị trường lao động mới nhiều hạn chế, đối với cả người lao động có việc và lao động có nguy cơ mất việc do suy thoái. Đối với những người lao động vẫn duy trì được việc làm, tỷ lệ các kỹ năng cốt lõi sẽ thay đổi trong 5 năm tới là 40% và 50% tổng số người lao động sẽ cần đào tạo lại (tăng 4%).
  9. Bất chấp tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, phần lớn các nhà tuyển dụng đều nhận ra giá trị của việc đầu tư vốn con người. Trung bình 66% nhà tuyển dụng được khảo sát mong muốn nhận được lợi tức đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng và đào tạo lại trong vòng một năm. Tuy nhiên, khoảng thời gian này có nguy cơ là quá dài đối với nhiều nhà tuyển dụng trong bối cảnh suy thoái kinh tế và gần 17% vẫn không chắc chắn về việc có bất kỳ lợi tức đầu tư nào. Trung bình, các nhà tuyển dụng kỳ vọng cung cấp khả năng đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho hơn 70% nhân viên của họ vào năm 2025. Tuy nhiên, mức độ tham gia của nhân viên vào các khóa học đó không cao, chỉ 42% nhân viên có được các cơ hội đào tạo lại và nâng cao kỹ năng do chủ lao động hỗ trợ.
  10. Các công ty cần đầu tư nhiều hơn về vốn con người và xã hội thông qua việc áp dụng các thước đo về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và phù hợp với các thước đo mới về nhân lực. Rất nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiểu rằng việc đào tạo lại nhân viên, đặc biệt là dưới hình thức liên minh giữa các ngành và hợp tác công tư vừa hiệu quả về chi phí, vừa mang lại lợi ích trung và dài hạn đáng kể – không chỉ cho doanh nghiệp của họ mà còn cho cả xã hôi. Chiến lược nhân lực của phần lớn các công ty sẽ là sắp xếp lại gần 50% người lao động do tự động hóa và nâng cấp công nghệ thay vì sa thải và tiết kiệm lao động.
  11. Khu vực công cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc đào tạo lại kỹ năng và nâng cao kỹ năng cho những người lao động gặp rủi ro hoặc phải di dời. Hiện tại, chỉ có 21% doanh nghiệp cho biết có thể sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho nhân viên của họ. Khu vực công sẽ cần tạo ra các động lực để đầu tư vào thị trường và việc làm trong tương lai; cung cấp các mạng lưới an sinh tốt hơn cho những người lao động bị dịch chuyển trong quá trình chuyển đổi công việc; và để giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng của hệ thống giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, điều quan trọng là các chính phủ phải xem xét những tác động lâu dài tới thị trường lao động của việc duy trì hoặc tiếp tục một phần các chính sách để khắc phục hậu quả của Covid-19, hỗ trợ tiền lương và duy trì việc làm ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến.

Biểu đồ 1: Các ngành nghề trong tương lai

Các ngành nghề có nhu cầu cao

1 Phân tích dữ liệu và Khoa học

2 Trí tuệ nhân tạo và Chuyên gia máy móc

3 Chuyên gia dữ liệu lớn

4 Chuyên gia Marketing và Chiến lược số

5 Chuyên gia tự động hóa quy trình

6 Chuyên gia phát triển doanh nghiệp

7 Chuyên gia chuyển đổi số

8 Phân tích bảo mật thông tin

9 Phát triển phần mềm ứng dụng

10 Chuyên gia mạng

11 Quản lý dự án

12 Quản lý hành chính và dịch vụ kinh doanh

13 Chuyên gia cơ sở dữ liệu và mạng lưới

14 Kỹ sư chế tạo người máy

15 Tư vấn chiến lược

16 Phân tích tổ chức và quản lý

17 Kỹ sư Fintech

18 Thợ sửa chữa cơ khí và máy móc

19 Chuyên gia phát triển tổ chức

20 Chuyên gia quản lý rủi ro

 

Các ngành nghề có nhu cầu thấp

1 Thư ký Nhập dữ liệu

2 Thư ký Hành chính và Điều hành

3 Kế toán, Sổ sách và Thư ký

4 Kế toán và Kiểm toán viên

5 Công nhân lắp ráp

6 Quản lý Hành chính và Dịch vụ Kinh doanh

7 Thông tin khách hàng và nhân viên dịch vụ khách hàng

8 Giám đốc điều hành

9 Thợ sửa chữa cơ khí và máy móc

10 Thư ký Ghi chép Vật liệu và Lưu giữ Kho

11 Nhà phân tích tài chính

12 Thư ký Dịch vụ Bưu điện

13 Đại diện Bán hàng, Bán buôn

14 Giám đốc quan hệ công chúng

15 Giao dịch viên Ngân hàng và Thư ký

16 Bán hàng tại chỗ và đại lý đường phố

17 Người lắp đặt và sửa chữa điện tử và viễn thông

18 Chuyên gia Nhân sự

19 Chuyên gia Đào tạo và Phát triển

20 Công nhân xây dựng

 

Biểu đồ 2: 15 kỹ năng thiết yếu trong tương lai

1 Tư duy phân tích và đổi mới

2 Chiến lược học tập và học tập tích cực

3 Giải quyết vấn đề phức tạp

4 Tư duy phản biện và phân tích

5 Sáng tạo, độc đáo và chủ động

6 Lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội

7 Sử dụng, giám sát và kiểm soát công nghệ

8 Thiết kế và lập trình công nghệ

9. Khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng và tính linh hoạt

10 Lập luận, giải quyết vấn đề và hình thành ý tưởng

11 Trí tuệ cảm xúc

12 Khắc phục sự cố và trải nghiệm người dùng

13 Định hướng dịch vụ

14 Phân tích và đánh giá hệ thống

15 Thuyết phục và thương lượng

 

Nguồn Diễn đàn kinh tế thế giới (Văn phòng TC GDNN dịch và biên tập)