Bức tranh cải cách giáo dục đại học, chuyên nghiệp ở Việt Nam

05/11/2016
819 lượt xem

Khẩn trương nghiên cứu đưa ra một đề án cải cách chính sách giáo dục tổng thể và chi tiết cho các bậc học, có tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Giai đoạn trước kháng chiến chống Pháp

Bắt đầu từ thế kỷ 11 với Văn miếu Quốc tử Giám, giáo dục đại học Việt Nam dựa trên Nho giáo, trải qua 1.000 năm Bắc thuộc chịu ảnh hưởng của 3 dòng triết giáo chính là Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo, và gần 100 năm Pháp thuộc với ảnh hưởng văn minh phương Tây đến đầu thế kỷ 20 mới có Đông dương Đại học xá.

Có thể nói công cuộc canh tân giáo dục thực sự bắt đầu ngay sau khi Bác Hồ tuyên bố thành lập nước cộng hòa dân chủ đầu tiên ở châu Á. Thiết nghĩ kinh nghiệm lịch sử về thay đổi căn bản tư duy giáo dục trong buổi đầu dựng nước có thể rất bổ ích cho việc đổi mới giáo dục căn bản và triệt để hiện nay theo Nghị quyết 29.

Vị cựu Bộ trưởng Giáo dục quốc gia đầu tiên Vũ Đình Hòe đã nhận xét: “Tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục trong sự nghiệp cách mạng giải phóng và kiến quốc không xuất hiện ngẫu nhiên, cũng không phải đem đâu đó từ bên ngoài vào, mà bắt nguồn từ những truyền thống và những tư tưởng giáo dục của nhiều thế hệ chí sĩ cách mạng Việt Nam, được Người tiếp thu và phát triển theo quỹ đạo tư tưởng cách mạng xã hội của mình”.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, cùng sự tham góp của 30 học giả trong Hội đồng cố vấn học chính, Bộ trưởng Vũ Đình Hoè đã nhanh chóng trình Chính phủ Đề án cải cách giáo dục theo những nguyên tắc căn bản Dân chủ-Dân tộc–Khoa học, sau đó theo chỉ thị của Người lại tiếp tục hoàn thiện và báo cáo trước Hội nghị Văn hoá toàn quốc tháng 11/1946.

Đề mục II của Báo cáo – Vấn đề cải cách giáo dục trong nước Việt Nam mới, đã nêu những nguyên lý của nền giáo dục quốc dân như sau: “Trước hết nền giáo dục mới là nền giáo dục của một nước độc lập: nó phải tôn trọng nhân phẩm, rèn óc tự cường và làm phát triển tài năng cá nhân đến tột bực; nó phải phát huy những cá tính của dân tộc, gây một tinh thần quốc gia mạnh mẽ và xây dựng một nền học thuật độc lập của nước nhà trong sự tiến hoá chung của nhân loại”.

Tư tưởng cải cách giáo dục với bản thiết kế cơ cấu khung chương trình cho Tiểu học, Trung học và Đại học đã tiếp thu tinh hoa nhân loại mà 20 năm sau Đề án cải cách giáo dục của Singapore (1965) cũng thể hiện tương tự tinh thần như vậy với cấu trúc rẽ nhánh từ sau 2 năm đầu của Tiểu học.

Tiếc rằng, do kháng chiến chống Pháp bùng nổ tháng 12/1946, sau đó là kháng chống Mỹ cứu nước, Đề án cải cách giáo dục này bị gác lại và lãng quên cho tới tận ngày nay.

Giai đoạn 1954-1975

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ Việt Nam tạm chia thành 2 miền với hai hệ thống chinh trị khác biệt: Việt Nam cộng hòa ở miền Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc.

Giáo dục Thanh niên ở Nam Việt Nam

Triết lý giáo dục ở miền Nam ban hành từ 1967 theo nguyên tắc: 1) giáo dục nhân bản; 2) giáo dục dân tộc; và 3) giáo dục khai phóng. Sau 1954 miền Nam chỉ có 3 Đại học công lập là Đại học Sài gòn (1959), Đại học Huế (1957) và Đại học Cần thơ (1966) và 2 Đại học tư thục là Vạn Hạnh (Phật giáo) và Đà lạt (công giáo).

Luật Cao đẳng cộng đồng (1971) cho thành lập hệ thống cao đẳng cộng đồng ở Tiền Giang, Mỹ Tho và Nha Trang, sau bổ sung thêm cao đẳng Kỹ thuật Phú Thọ ở Sài gòn, cao đẳng cộng đồng Quảng Đà – Đà Nằng; cao đẳng cộng đồng Long Hồ-Vĩnh Long và cao đẳng cộng đồng Buôn ma thuột – Tây nguyên theo kế hoạch của Chính phủ Hoa kỳ chuẩn bị tái thiết đất nước sau chiến tranh. Sự phát triển hệ thống đại học 2 năm, như nhân xét của Ts. Đỗ Bá Khê, làm gợi nhớ lại “sự bùng nổ các cao đẳng cộng đồng ở Nhật bản thập kỷ 60.

Giaó dục đại học ở miền Bắc dựa theo mô hình Liên xô cũ và các nước Đông Âu. Sau 1975 đất nước thống nhất và hệ thống giáo dục đại học, chuyên nghiệp được áp dụng trên toàn quốc. Sau 1986 Việt nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, giáo dục đại học giai đoạn 1987-1991 có định hướng mới là ” Phục vụ yêu cầu của các thành phần kinh tế, nguyện vọng học tập của nhân dân với phương châm “ Đào tạo nhân lực, bồi dương nhân tài, nâng cao dân trí”.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định “Đất nước này phải học tập kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác”.

Giai đoạn từ 1987-1991 giáo dục đại học Việt Nam có nhiều cải cách quan trọng, nhưng do chính sách cấm vận của Mỹ, cùng với hạn chế của ý thức hệ XHCN cuối thế kỷ 20, Việt Nam rất muốn tiếp cận nhưng không tự nguyện tiếp nhận mô hình và triết lý giáo dục đại học Hoa Kỳ.

Bằng chứng là tại Hội nghị trí thức Việt kiều ở Sài gòn đầu Xuân 1994, Chính phủ tuyên bố cải cách theo mô hình giáo dục đại học các nước khối ASEAN, mà thực chất đó là mô hình giáo dục đại học Mỹ.

Một ví dụ nữa, từ 1994 Bộ GD&ĐT chú ý nghiên cứu mô hình cao đẳng cộng đồng Mỹ (đã mời Ts Phillip Ganon, cố vấn Tổng thống Mỹ về giáo dục cộng đồng sang Việt Nam trao đổi), song song với xây dựng đại học đa cấp, đa lĩnh vực (2 Đại học quốc gia và 3 Đại học vùng), nhưng do thái độ chính trị thiển cận của một số quan chức ngành giáo dục bảo thủ không muốn các cao đẳng sư phạm của họ bị lép vế, cho rằng cao đẳng cộng đồng là sản phẩm đồi trụy của chế độ cũ, nên vì thế một số trường cao đẳng cộng đồng được thành lập ở Đồng bằng sông Cửu long, Quảng Ngãi, Hải phòng, Lai Châu…

Sau nhiều năm vẫn chỉ là thí điểm, không được công nhận trong Luật Giaó dục Đại học. Hơn nữa vài trường cao đẳng cộng đồng lại xin chuyển thành Đại học 4 năm như Đại học Trà Vinh, Đại học Tiền Giang, Đại học sư phạm Quảng Ngãi sau khi đã nhận được một số tài trợ quốc tế cho phát triển cao đẳng cộng đồng. Trong khi đó, nhiều Cao đẳng sư phạm địa phương lại xin đa dạng hóa ngành nghề đào tạo theo mô hình cao đẳng cộng đồng để đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

Trong bản “Chiến lược Giaó dục của Tổng thống Mỹ tới năm 2000” có nhấn mạnh: “Nước Mỹ sẽ thua một vài nước khác nếu không chú ý tới kho tàng vô giá nằm sau vỏ não của thanh thiếu niên”.

Thế kỷ 20 đã khép lại với sự kết thúc của chiến tranh lạnh cùng xung đột ý thức hệ tư tưởng; và loài người bước sang kỷ nguyên mới của Thông tin và Toàn cầu hóa, thế kỷ của Văn hóa và Tôn giáo.

Giaó dục đại học Việt Nam đang chịu tác động mạnh và đan xen của các quyền lực mềm từ Trung Hoa (qua hệ thống Học viện Khổng tử khắp thế giới), từ các nước phương Tây như Anh, Úc, Pháp và chính sách Fulbright của Hoa kỳ trong xuất khẩu giáo dục đại học.

Tại Trung Quốc từ lâu tuyệt đại đa số các triều đại chỉ tôn sùng Nho giáo, các trường lớp chính thức chỉ dạy kinh sách Đạo Khổng. Trái lại, các khoa thi đầu tiên của Việt Nam thời kỳ tự chủ đầu tiên sau 1.000 Bắc thuộc là các khoa thi tam giáo.

Các vị vua đầu triều và các đại thần trong triều thường trưởng thành từ cửa Phật. Một thiền sư Việt Nam đã từng khẳng định tinh thần “vô vi” trong lý thuyết chính trị của Việt Nam, đối lập với “hữu vi” nhân trị của Nho giáo phương Bắc: “Vô vi cư điện các, Nam thiên lý thái bình”.

Cho đến nhà Trần, vua Trần Thái Tông (1218-1277), vị vua khai sáng nhà Trần đã tuyên ngôn lý thuyết tổng hợp “Phật Thánh phân công” trong công cuộc xây dựng đất nước và phát triển xã hội (12*). Tinh thần cách mạng trong cải cách đường lối giáo dục quốc dân của các lãnh tụ Đông Kinh Nghĩa thục đầu thế kỷ 20 càng thể hiện rõ ý chí của cha ông chúng ta trong kết hợp tinh hoa văn hóa Đông Tây để cải cách nền giáo dục thanh niên.

Trên thực tế, quyền lực mềm của Trung hoa đã thực sự thất bại và bị tẩy chay khắp nơi nên họ cố tung quyền lực cứng bành trướng biển Đông và Hoa Đông như cả thế giới đều đã thấy rõ.

Trong khí đó. số lượng thanh niên Việt Nam du học Tây phương ngày càng lớn, kéo theo nhiều hệ lụy.

Thiết nghĩ, trách nhiệm của Nhà nước và trước hết là Bộ GD&ĐT cần phải nghiêm túc, khẩn trương nghiên cứu đưa ra một đề án cải cách chính sách giáo dục tổng thể và chi tiết cho các bậc học, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiết thực cho đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục mới – nền giáo dục vị nhân sinh với cấu trúc mở như nói ở trên nhằm thực sự đáp ứng nguyện vọng học tập của toàn dân, mà trước hết là cho các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam.

Nguồn: Giáo dục