(TG) – Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói đến biểu tượng của tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng và khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Tất cả những gì tốt đẹp nhất của dân tộc ta trong hàng nghìn năm lịch sử đều được kết tinh, hun đúc, sống dậy, tràn đầy sức mạnh hơn bao giờ hết trong cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, trong thời đại Hồ Chí Minh.
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa những giá trị tinh thần cao quý như độc lập, tự do, hạnh phúc, loại bỏ bất công, bất bình đẳng, hòa bình và công lý, một thế giới mới chống lại đói nghèo, bệnh tật, dốt nát.
Chủ nghĩa yêu nước, giá trị hàng đầu, nhất quán, sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam xuất hiện từ thời cổ đại, phát triển qua các giai đoạn lịch sử, đến thời đại Hồ Chí Minh, là một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam và nếu dùng từ “đạo” với nguyên nghĩa của nó là “đường”, là hướng đi thì đích thực là đạo Việt Nam”(1). Trải qua các giai đoạn lịch sử từ cái nôi Văn Lang – Âu Lạc đến thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc chống đô hộ Hán, Đường, qua kháng chiến chống xâm lược thế kỷ X đến thế kỷ XVIII, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam có cách biểu hiện cao thấp, sắc thái khác nhau, nhưng ngày càng phát triển cả bề rộng và sâu, đậm đà cốt cách Việt Nam. Đến giai đoạn lịch sử cận đại, khi triều Nguyễn lên ngôi, giai cấp phong kiến Việt Nam từng bước từ bỏ ngọn cờ yêu nước, giai cấp tư sản không đủ sức giương cao ngọn cờ yêu nước, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được giai cấp công nhân nâng lên một tầm cao mới.
Được ánh sáng khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Lênin (chủ nghĩa Mác – Lênin) soi sáng, Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản. Từ đó trở đi, Người cùng với Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam – Đảng do Người sáng lập và rèn luyện – phát kiến lại chủ nghĩa yêu nước truyền thống, đưa vào những nội dung mới, chất lượng mới, trở thành một bộ phận của tinh thần quốc tế, kết hợp nhuần nhuyễn, phát huy một cách hài hòa với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong toàn bộ tiến trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa yêu nước là thứ của quý, động lực tinh thần lớn nhất cho cách mạng, kháng chiến và xây dựng. Người khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(2). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước “có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng, dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”(3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát kiến lại chủ nghĩa yêu nước truyền thống không phải bằng lý luận, sách vở thuần túy mà chủ yếu thông qua thực tiễn giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Người sử dụng liên tục chủ nghĩa yêu nước như một vũ khí và rèn luyện vũ khí ấy ngày càng sắc bén trong trường kỳ cách mạng và kháng chiến. Người chỉ rõ: “Chính do tinh thần yêu nước mà quân đội và nhân dân ta đã mấy năm trường chịu đựng trăm đắng nghìn cay, kiên quyết đánh cho tan bọn thực dân cướp nước và bọn Việt gian phản quốc, kiên quyết xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, một nước Việt Nam dân chủ mới”(4).