Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về khuyến học, khuyến tài trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam

03/10/2023
275 lượt xem

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc khuyến khích, động viên nhân dân học tập để nâng cao nhận thức và phụng sự cho sự phát triển đất nước. Tư tưởng của Người đã được Đảng ta kế thừa và phát triển khi đưa ra chủ trương khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập để nâng cao dân trí, phát triển nhân lực ở Việt Nam hiện nay.

Images1324148 1620161
Bác Hồ với học sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956. Ảnh: TL

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI

Xác định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông qua quá trình học tập. Theo Người, học tập chính là một quá trình tiếp thu tri thức để bổ sung, nâng cao trình độ nên mỗi người phải luôn học tập ở trường, lớp và tự học suốt cuộc đời vì: “Học hành là vô cùng. Học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt”(1). Vì thế, mỗi người, nhất là người cán bộ, đảng viên nếu không muốn mình trở nên lạc hậu, thì phải ra sức học tập bởi lẽ nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. “Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”(2). Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh còn đưa ra những chỉ dẫn có tính chất phương pháp luận rất quan trọng về cách thức học tập có hiệu quả. Đó là, “muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng… Phương châm, phương pháp học tập là lý luận liên hệ với thực tế”(3).

Khi đến thăm một đơn vị, thấy tình trạng cán bộ đảng viên, nhất là những người lớn tuổi có tư tưởng ngại học, Bác đã bộc bạch: “Bác thường nghe nói có đồng chí 40 tuổi đã cho mình là già nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”(4) để nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập – học tập là nhu cầu tự thân suốt đời.

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, học và tự học luôn gắn liền nhau và đó cũng chính là con đường tốt nhất để mỗi người không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ cho bản thân. Người từng bộc bạch: “Về văn hóa: Tôi chỉ học hết tiểu học (…). Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađio lần đầu”(5), “tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp. Công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”(6). Đây là những lợi bộc bạch rất chân thành được đúc rút ra từ chính cuộc đời của Người nên có có sức lay động rất lớn đến mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập tinh thần tự học suốt đời của Bác.

Theo Bác, “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(7). Vì thế, quá trình học không nên được chăng hay chớ mà cần phải nghiêm túc, không bỏ bê, không ngắt quãng. Người không chỉ nói, yêu cầu mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng đều phải học, tự học và học suốt đời, mà Người còn là một tấm gương mẫu mực về quá trình tự làm giàu tri thức của bản thân. Khi đặt chân sang các nước, Người đều tự học ngoại ngữ để tìm hiểu văn hóa, lịch sử các nước và hòa nhập với cuộc sống nơi đó, từ đó tham gia hoạt động cách mạng, viết sách, báo, tạp chí; đồng thời, nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin và truyền bá về Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trước tình hình thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân khiến hơn 90% đồng bào ta bị mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi mở chiến dịch “diệt giặc dốt”. Trên tinh thần, ai biết chữ thì dạy cho người chưa biết chữ; người biết nhiều dạy cho người biết ít; tận dụng mọi nơi, mọi lúc để dạy và học,… phong trào thi đua “Bình dân học vụ” được Người phát động những năm đầu khi nước nhà mới giành được độc lập đã được toàn dân đồng lòng, đồng sức tham gia, triển khai với quyết tâm cao và đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận. Ngoài ra, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà theo phương châm: “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Chính điều này đã góp phần vào thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Không chỉ nói về việc học nói chung mà Người còn chỉ rõ mục đích của việc học là để hoàn thiện, phát triển bản thân và phụng sự cho đất nước. Tháng 9-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương và Người đã ghi lại trong trang đầu cuốn sổ vàng truyền thống của Trường:

“Học để làm việc

          làm người

          làm cán bộ

Học để phụng sự đoàn thể

          phụng sự giai cấp và nhân dân

          phụng sự Tổ quốc và nhân loại”(8).

Hồ Chí Minh đặt “làm cán bộ” sau “làm việc”, “làm người” nhằm khẳng định bản chất của người cán bộ trong xã hội mới, học không phải để làm quan như trong xã hội cũ như Người từng nhắc nhở: “Học cốt để biết đạo lý làm người, để giúp dân, không nên theo đuổi mục đích đỗ đạt để làm quan và nhũng nhiễu dân”(9) mà học để thực hiện mục tiêu cao cả là “phụng sự” đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại, là luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên tất cả. Với hai từ “phụng sự”, Hồ Chí Minh đã nêu lên ý nghĩa đích thực của việc học tập thật sự khoa học, cách mạng, tiến bộ và nhân văn. Theo Người, việc học phải hướng tới mục đích toàn diện nhằm hoàn thiện nhân cách, đạo đức làm người; chiếm lĩnh các kiến thức về văn hóa, chính trị, khoa học, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời nắm bắt những kiến thức lý luận và kiến thức thực tế. Nếu không có nhân cách, đạo đức sẽ không có bản lĩnh để vượt qua được khó khăn, gian khổ; nếu không có trình độ sẽ không theo kịp được yêu cầu ngày càng phát triển của cách mạng, đặc biệt nếu “làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp, vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng”(10).

Một điều đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người đưa ra tư tưởng khuyến khích, động viên mọi người học tập suốt đời mà Người cũng chính là tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần học, tự học và học suốt đời để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ. Do đó, Người luôn căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên cần “thực hiện lời dạy của Lênin là học, học nữa, học mãi. Học phải đi đôi với hành. Học để hành càng ngày càng tốt hơn”(11).

 Tính lôgic của mục đích học tập thể hiện rõ trong lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học tập trước hết để làm việc vì làm việc có kết quả là biểu hiện tư cách của người cán bộ chân chính, là thước đo danh dự và uy tín của cán bộ; có biết “làm việc”, “làm người” mới xứng đáng “làm cán bộ” và chỉ có ai biết “làm người” mới biết “làm cán bộ”.

Làm cán bộ trước hết phải học cách “làm việc”, “làm người”, nếu “làm việc”, “làm người” không được mà làm cán bộ thì họ không chỉ làm hỏng chính bản thân mình mà còn làm hỏng rất nhiều người. Ngược lại, để làm người cán bộ tốt thì phải luôn gương mẫu trong công việc và không ngừng nâng cao các giá trị làm người.

KHUYẾN KHÍCH, ĐỘNG VIÊN, TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ TOÀN DÂN RA SỨC HỌC TẬP

Kế thừa tư tưởng của Hồ Chí Minh về khuyến khích, động viên nhân dân ra sức học tập, từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta rất quan tâm đến việc khuyến học, khuyến tài. “Khuyến học, khuyến tài được hiểu là những hoạt động vận động, khuyến khích người dân ở mọi độ tuổi học tập thường xuyên, học suốt đời để có tri thức mới, hình thành những kỹ năng mới giúp lao động hiệu quả hơn, cuộc sống văn minh, hạnh phúc hơn”(12). Mục tiêu của khuyến học, khuyến tài là thúc đẩy xây dựng cả nước ta trở thành một xã hội học tập, tức một xã hội mà ai cũng muốn học và phải học, từ trẻ em đến người lớn, ở mọi ngành nghề, xuất thân, điều kiện, dân tộc, giới tính,… Hay nói cách khác, “xây dựng cả nước thành một xã hội học tập” là mục tiêu chính, còn “khuyến học, khuyến tài” là phương tiện để đạt được mục tiêu đó.

Ngày 2/10/1996, Hội Khuyến khích và Hỗ trợ giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam) được thành lập theo Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 29/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, “Hội Khuyến học Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội) là tổ chức xã hội, tập hợp các lực lượng xã hội và công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước và nước ngoài tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập khu vực và quốc tế”(13). Ngày 5/12/2005, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tặng Hội Khuyến học Việt Nam bức trướng với dòng chữ: “Hội Khuyến học Việt Nam – Khuyến học, khuyến tài Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập” để ghi nhận những đóng góp của Hội Khuyến học Việt Nam với phong trào khuyến học, khuyến tài.

Ngày 13/4/2007, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Chỉ thị nhằm vận động nhân dân tích cực học tập nâng cao dân trí, nghề nghiệp, chuyên môn nhằm tăng năng lực sản xuất, chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống. Gắn việc phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, học đi đôi với hành, với phong trào làm kinh tế giỏi, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Ngày 10/5/2019, Ban Bí thư khóa X ban hành Kết luận số 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X yêu cầu: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, người lao động trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, lao động năng động, sáng tạo trong điều kiện nền kinh tế số hiện nay. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề và kỹ năng sống cho người lao động.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định mục tiêu phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm của Đảng gắn việc phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; với xây dựng đời sống văn hóa mới. Đại hội XIII cũng đã xác định rõ: Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam; Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên; Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Có thể nhận thấy, Đảng ta đã kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong chủ trương thúc đẩy khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nhờ đó đã khuyến khích, động viên, tạo động lực để toàn dân ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ và đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển đất nước. Mô hình “gia đình học tập, “dòng họ học tập”, “quê hương học tập”, “xã hội học tập” là sự cụ thể hóa chủ trương đúng đắn của Đảng về thúc đẩy toàn dân tích cực học tập, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay./.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.349.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.333.

(3) (4) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.116, 113, 113.

(5) (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Sđd, t.13, tr.187, 273.

(6) (8) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.208, 208, 357.

(9) Bác Hồ thời niên thiếu, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.48-49

(12) Phạm Tất Dong: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước với Hội Khuyến học Việt Nam, Tạp chí Giáo dục và Thời đại, số 4 (897), năm 2022, tr.22.

(13) Theo Điều lệ sửa đổi, bổ sung (Phê duyệt kèm theo Quyết định số 151/QĐ-BNV ngày24 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ).

Nguồn bài viết: https://hochiminh.vn/tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/nghien-cuu-tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/van-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-khuyen-hoc-khuyen-tai-trong-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-o-viet-nam-9649

Bài viết cùng chủ đề: