Đức là gốc!

12/06/2024
122 lượt xem

Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị “về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Quy định số 144-QĐ/TW là một minh chứng Đảng ta chưa bao giờ ngừng quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng về đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Theo Người: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng”, “Đạo đức là gốc”, người cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức mới có thể trở thành người cán bộ chân chính. Bởi vì: “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không” [1]. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức, luôn coi đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là gốc, là nguyên nhân của mọi thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như quá trình xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Theo đó, quy định về “chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên” không ngừng được Đảng ta đúc rút, bồi đắp từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng qua các thời kỳ, nhất là trong giai đoạn đất nước ta phải trải qua những cuộc chiến tranh ác liệt nhất của thế kỷ XX. Hơn ai hết, Nhân dân Việt Nam hiểu rõ sự tàn khốc của chiến tranh và cái giá của hòa bình… Cái giá của hòa bình ở Việt Nam được thống kê bằng những con số khiến ai cũng phải rơi nước mắt. Đó là hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 100.000 thương binh, bệnh binh – những con người đã hy sinh xương máu của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Cái giá của độc lập, tự do phải đánh đổi bằng sinh mạng của hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã nằm xuống cho Tổ quốc hòa bình hôm nay.

Đó chính là những tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng, không thể có sự hy sinh to lớn đến thế. Chỉ có đạo đức cách mạng, phẩm giá, danh dự, tự trọng, lòng tự hào và tự tôn dân tộc được nuôi dưỡng bởi truyền thống yêu nước, được bồi đắp bởi sự hy sinh cao cả, thiêng liêng của hàng triệu người con đất Việt. Nếu không có đạo đức cách mạng, ý chí quật cường, trí tuệ sắc sảo, Đảng ta không thể lãnh đạo được quần chúng nhân dân vượt qua những thời khắc, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, trong bối cảnh vừa phải đấu tranh với kẻ thù xâm lược, vừa phải lao động sản xuất với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, nạn đói, nạn dốt, lũ lụt, hạn hán, có những thời điểm ngân khố trống rỗng… Những khó khăn chất chồng, vận mệnh dân tộc đã thách thức sự lãnh đạo của Đảng, thách thức ý chí của cán bộ, đảng viên, quân và dân ta.

Nhìn lại những giai đoạn lịch sử của đất nước để hiểu hơn về sự can trường của dân tộc Việt Nam, hiểu hơn về những khó khăn, thách thức mà đất nước đã trải qua. Trong những bối cảnh đó, đạo đức cách mạng, phẩm giá, uy tín của cán bộ, đảng viên cùng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng mới có thể đưa quân và dân ta vượt qua và giành nhiều thắng lợi, thành tựu nổi bật trong những thời khắc lịch sử quan trọng.

Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng…, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên không những phải có đạo đức cách mạng mà còn phải có tài, tức là phải có năng lực tư duy, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có tầm nhìn sâu rộng, biết khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc… Một dân tộc có trở nên hùng cường hay không, phần lớn ảnh hưởng bởi khát vọng, tư duy quản lý nhà nước và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo. Suy cho cùng, mọi thành quả hoặc hệ lụy của một tổ chức, một doanh nghiệp, một địa phương hay một quốc gia đều chịu sự điều chỉnh và ảnh hưởng bởi thể chế, nói cách khác đó là hệ tư tưởng, là tư duy chiến lược và chính sách lãnh đạo, quản trị… Đó cũng chính là cái tài của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đức thôi chưa đủ mà còn phải có tài; đức và tài hòa vào nhau, hỗ trợ nhau làm nên phẩm chất người cách mạng. Ở những cán bộ tốt, không thể thiếu hai phẩm chất là đức và tài. Trong dịp nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, ngày 12/6/1956, Người căn dặn “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai” [2].

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài, trong đó đức phải là gốc, Người cho rằng, công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, phải trọng nhân tài, trọng mỗi người có ích cho công việc chung; phải hiểu rõ cán bộ, cất nhắc cán bộ cho đúng, nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Phải khéo dùng cán bộ, tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ. “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ” [3].

Phải đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày

Bài học về đạo đức cách mạng được đúc rút từ thực tiễn. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta càng thấu hiểu vai trò đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước đến nhường nào. Vậy đạo đức cách mạng là gì? Có thể hiểu, “đạo đức cách mạng” là những tiêu chuẩn có tính khuôn mẫu, mực thước được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta công nhận, lấy đó làm chuẩn mực, mục tiêu để rèn luyện, tu dưỡng, điều chỉnh các hành vi ứng xử của cán bộ, đảng viên trong các mối quan hệ với Nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước.

Theo đó, Quy định số 144-QĐ/TW “về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” nhấn mạnh 5 Điều: Điều 1. Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Điều 2. Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Điều 3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Điều 4. Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Điều 5. Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Quy định chỉ rõ, đạo đức cách mạng là sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, không hủ hóa, tham ô, không đặc quyền, đặc lợi… Nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đặt lợi ích quốc gia – dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh…

Tbt
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.

Thực hiện các chuẩn mực đạo cách mạng theo Quy định số 144-QĐ/TW cũng chính là giữ gìn phẩm giá, danh dự, lòng tự trọng, uy tín của bản thân cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm. “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” [4]. Cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng mới lãnh đạo được cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” [5].

Thực tiễn sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã minh chứng về “đạo đức cách mạng”, chỉ có chính nghĩa, chính tâm, chính tài mới khơi dậy được ý chí, tinh thần đoàn kết của cả dân tộc, mới đủ sức mạnh để chiến thắng kẻ thù xâm lược có tiềm lực gấp bội về kinh tế, quân sự, khoa học và công nghệ. Sức mạnh ý chí ấy phải được bồi đắp từ đạo đức cách mạng, phẩm giá và uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên mẫu mực, tận tụy và sẵn sàng hy sinh vì Nhân dân. Đó là những tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của lãnh tụ Hồ Chí Minh và các tầng lớp cán bộ, đảng viên thực sự là công bộc của Nhân dân.

Để không hổ thẹn với tiền nhân và các lớp thế hệ cán bộ, đảng viên đi trước đã viết nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt Nam, những trang sử hào hùng được viết bằng máu, mồ hôi và nước mắt của các thế hệ ông cha với những kỳ tích sử sách mãi còn ghi, chúng ta kỳ vọng vào các lớp cán bộ, đảng viên ngày nay hãy tiếp nối ông cha viết dài thêm những trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước. Điều này phụ thuộc rất lớn vào tư duy, tầm nhìn và đạo đức của cán bộ, đảng viên hôm nay. Một dân tộc anh hùng, thông minh, cần cù thì không cam chịu yếu kém và nghèo nàn. Một dân tộc hiếu học thì không thể chấp nhận tụt hậu về khoa học và tri thức…

Trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Nhân dân kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự xứng đáng, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, có tư duy chiến lược sắc bén, có năng lực tổ chức chiến lược, có ý thức kiểm soát quyền lực, không chạy chức, chạy quyền, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước hiện nay.

Kỳ vọng đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, giữ gìn phẩm giá, uy tín của bản thân, của Đảng, vì lòng tự tôn, tự hào dân tộc mà phấn đấu cống hiến hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; biết hy sinh những lợi ích cá nhân, không rơi vào vòng xoáy lợi ích cá nhân, chạy theo lòng tham danh vọng. Đã có không ít những bài học sâu sắc, cảnh tỉnh về cái giá phải trả rất đắt cho lòng tham và chút xao nhãng, buông thả về đạo đức mà không ít cán bộ, đảng viên đã bị bắt giam, kết án bởi tội tham ô, tham nhũng… Có điều, trước đó họ còn là hình mẫu, là niềm tự hào của gia đình, dòng tộc về sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, sự gương mẫu đi đầu trong các hoạt động đóng góp cho xã hội… Ranh giới giữa danh tiếng và tai tiếng quả là mong manh…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lần phát biểu: “Tham nhũng chỉ là cái ngọn thôi. Nếu đã có bản lĩnh, đã có đạo đức thật sự vì nước vì dân thì cần gì phải tham nhũng, cần gì đi ăn cắp. Sống cho ngay thẳng, đàng hoàng. Ngày xưa chết còn không sợ, ra trước pháp trường, lên máy chém chả sợ, bây giờ sợ gì. Chỉ có khó khăn mà cũng tạm thời thôi. Chúng ta có bài học kinh nghiệm 90 năm rồi…”. Những bài học xương máu về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên chưa bao giờ là thừa.

Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, đòi hỏi cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng theo Quy định số 144-QĐ/TW để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng trong sáng, phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết, phải làm gương cho quần chúng noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” [6]./.

[1] Hồ Chí Minh – Toàn tập, T9, Nxb CTQG, H.2011, tr.354

[2] Hồ Chí Minh – Toàn tập, T10, Nxb CTQG, H2011, tr.346

[3] Hồ Chí Minh – Toàn tập, T5, Nxb CTQG, H2011, tr.320

[4] Hồ Chí Minh – Toàn tập, T1, Nxb CTQG, H.2011, tr.284

[5] Hồ Chí Minh – Toàn tập, T6, Nxb CTQG, H2011, tr.16

[6] Hồ Chí Minh – Toàn tập, T 11, Nxb CTQG, H.2011, tr.612

Bài viết cùng chủ đề: