Dân chủ tập trung trong Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn

04/11/2023
266 lượt xem

(HCM.VN) – Dân chủ tập trung theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nguyên tắc thống nhất, không tách rời, không có sự đối lập giữa dân chủ và tập trung. Trong đó, dân chủ không đối lập với tập trung, mà chỉ đối lập với quan liêu, chuyên chế, độc tài; còn tập trung cũng không đối lập với dân chủ mà chỉ đối lập với sự phân tán, cục bộ, bè phái, tự do vô chính phủ.

Bác Hồ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. (Ảnh tư liệu)

Là một Đảng Mácxít – Lêninnít, Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo chế độ dân chủ tập trung. Thực hiện nghiêm nguyên tắc cơ bản này theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “Đảng giác ngộ giai cấp công nhân rành mạch, lập trường giai cấp dứt khoát, tác phong giai cấp đúng đắn”, đúng bản chất của một Đảng Cộng sản!

1. Thực thi dân chủ tập trung trong Đảng

Trong Thường thức chính trị[1], Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều mục (từ 31-41) để nói về Đảng và công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; trong đó, không chỉ khẳng định Đảng “là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc”, mà còn nhấn mạnh rằng: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: có Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Trong Đảng, “bất kỳ cấp trên hoặc cấp dưới, đảng viên cũ hoặc đảng viên mới, đều nhất định phải giữ kỷ luật của giai cấp vô sản”[2]. Theo đó, “Đảng chương là một văn kiện quy định: phương pháp hành động, hình thức tổ chức, khuôn phép sinh hoạt nội bộ của Đảng”. Có Đảng chương sẽ “đảm bảo tổ chức thống nhất, hành động thống nhất của Đảng”, cho nên “mỗi đảng viên phải tuyệt đối thừa nhận và làm đúng Đảng chương. Nếu không vậy, nếu ai muốn làm sao thì làm, thì kết quả sẽ đưa Đảng đến chỗ tan rã”.

Cũng theo Người, Đảng có “Đảng cương là một văn kiện nó quy định tính chất của Đảng, mục đích đấu tranh và đường lối cách mạng của Đảng, phương pháp lãnh đạo của Đảng. Nó đảm bảo chính trị thống nhất, tư tưởng thống nhất của Đảng. Vì vậy, mỗi đảng viên nhất định phải thừa nhận và theo đúng Đảng cương. Nếu không vậy, thì tư tưởng sẽ rối loạn, ý kiến sẽ lung tung. Đảng sẽ yếu đuối, rời rạc, không làm được gì”[3]. Cho nên, “thừa nhận Đảng cương, Đảng chương không phải chỉ thừa nhận bằng lời nói, mà phải bằng đấu tranh thực sự. Vì vậy mỗi đảng viên nhất định phải tham gia một tổ chức của Đảng, phải sinh hoạt chính trị trong một tổ chức của Đảng và phải ra sức công tác dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng”. Điều đó cũng có nghĩa là, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, hoàn thành được trọng trách mà Tổ quốc và Nhân dân tin tưởng giao phó ở vị trí, vai trò lãnh đạo thì “Đảng phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung”, “phải dựa vào Nhân dân mà xây dựng Đảng” và “phải cùng Nhân dân kết thành một khối”… Trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, Đảng phải vừa phải giữ vững/giữ nghiêm kỷ luật, “kiên quyết chống những hiện tượng phớt kỷ luật, phớt tổ chức”, vừa phải “luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải luôn bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn”[4].

Cũng trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định Đảng thực hiện nguyên tắc dân chủ tập trung, mà Người còn đồng thời giải thích rõ nội dung “tập trung trên nền tảng dân chủ” và “dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung” một cách cụ thể để mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đều hiểu được, hiểu đúng bản chất của vấn đề. Cụ thể, theo Người thì “tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ. Chi bộ do chi ủy lãnh đạo, các đảng viên chịu sự lãnh đạo của chi ủy. Trên chi ủy thì có huyện ủy, tỉnh ủy, khu ủy lên đến Trung ương. Toàn thể đảng viên, toàn thể các cấp, tổ chức thống nhất lại theo một nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc ấy tức là dân chủ tập trung”.

Hiểu một cách ngắn gọn nhất, giản dị nhất về “tập trung trên nền tảng dân chủ” có nghĩa là: “Cơ quan lãnh đạo của Đảng có uy tín và quyền lực chân chính. Những phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng, mọi đảng viên nhất định phải chấp hành. Kỷ luật của Đảng, mọi đảng viên phải tuân theo. Thế là tập trung”, song tập trung ấy “không phải là cá nhân chuyên chính” mà là được xây dựng “trên nền tảng dân chủ”. Trong đó, các cơ quan lãnh đạo của Đảng “đều do quần chúng đảng viên bầu lên”; phương châm chính sách, nghị quyết của Đảng “đều do quần chúng đảng viên tập trung kinh nghiệm và ý kiến lại mà thành”; quyền lực của các cơ quan lãnh đạo là “do quần chúng đảng viên giao phó cho, chứ không phải tự ai tranh giành được”; trật tự của Đảng là “cá nhân phục tùng tổ chức; số ít phải phục tùng số nhiều; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; các địa phương phải phục tùng Trung ương”[5].

Còn “dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung” được Người chỉ ra là: trong toàn Đảng, mọi đảng viên đều “có quyền nêu ý kiến; đặt đề nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Nhưng quyết không được trái sự lãnh đạo tập trung của Đảng, trái nghị quyết và trái kỷ luật của Đảng”. Để “dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung” được thực hiện nghiêm thì trong Đảng cần phải “quyết chống: không xét thời gian, địa điểm, điều kiện mà nói lung tung; tự do hành động; dân chủ quá trớn” cũng như tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc: Chỉ có cơ quan lãnh đạo “có quyền khai các cuộc hội nghị”; mọi nghị quyết của Đảng đều phải do cơ quan lãnh đạo chuẩn bị kỹ càng”, không được làm qua loa, sơ sài và phải “giao cho các cấp thảo luận”; khi bầu cử các cơ quan lãnh đạo trong Đảng thì “phải xem xét rất kỹ lưỡng để lập danh sách những đảng viên ứng cử” và điều quan trọng nhất chính là “toàn thể đảng viên phải theo đúng Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất của Đảng. Toàn thể đảng viên phải theo sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương”[6].

Có thể thấy, những nội dung cơ bản này vừa thể hiện rõ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vừa đảm bảo để Đảng là một tổ chức “tiền tiến” của giai cấp và dân tộc, luôn thống nhất trong tư tưởng và hành động.

2. Dân chủ tập trung để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Nhận thức đúng và thực hiện đúng, nghiêm túc nguyên tắc dân chủ tập trung trên tinh thần “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn” và “tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung”[7] như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn không chỉ có ý nghĩa chống được sự cực đoan, độc đoán, quá trớn cũng như dân chủ hình thức, mà còn nhằm phát huy được khả năng, vai trò của từng đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; đồng thời chống được cả tư tưởng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khi “nhân danh dân chủ” để phá hỏng “sự chỉ đạo tập trung” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Thực hiện đúng theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ làm cho Đảng ngày càng vững mạnh, thống nhất trong tư tưởng và hành động từ từng chi bộ/từng tổ chức cơ sở Đảng đến Ban Chấp hành Trung ương để “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”.

Dân chủ tập trung theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nguyên tắc thống nhất, không tách rời, không có sự đối lập giữa dân chủ và tập trung. Trong đó, dân chủ không đối lập với tập trung, mà chỉ đối lập với quan liêu, chuyên chế, độc tài; còn  tập trung cũng không đối lập với dân chủ mà chỉ đối lập với sự phân tán, cục bộ, bè phái, tự do vô chính phủ. Dân chủ và tập trung đúng đắn không chỉ làm tăng sức mạnh của dân chủ và sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, mà còn đồng thời đề cao được tính kỷ luật, tăng cường chế độ trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; cũng như khắc phục được những hiện tượng “ngụy” dân chủ, “ngụy” tập trung như chuyên quyền, độc đoán, vô tổ chức, lấn át tập thể… đi ngược lại lợi ích chung của tập thể, của Nhân dân.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng, một trong những nhiệm vụ quan trọng là cấp ủy và tổ chức đảng các cấp phải làm tốt công tác tư tưởng, giáo dục để thống nhất nhận thức và xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy dân chủ trong Đảng. Cụ thể, tại mỗi tổ chức Đảng, quyền dân chủ của đảng viên cần phải được thực hiện đầy đủ và đi liền cùng đó là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy cần tôn trọng, lắng nghe ý kiến của đảng viên, của cấp dưới để tăng cường đoàn kết thống nhất nội bộ. Bên cạnh đó, để xây dựng từng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, mỗi cấp ủy, mỗi đảng viên không chỉ cần phải chủ động phòng, chống và đấu tranh với những hiện tượng dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan của những kẻ cơ hội muốn lợi dụng dân chủ để mị dân, theo đuôi quần chúng…, mà còn phải “phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp”[8] để đoàn kết, thống nhất nội bộ.

Là Đảng cách mạng và chân chính do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc dân chủ tập trung trong xây dựng tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo, mà còn luôn khẳng định “sự chặt chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng và bảo đảm quan trọng nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng”[9]. Thực tế, việc thực hiện nghiêm nguyên tắc này trong toàn Đảng, từ Trung ương đến địa phương là yêu cầu khách quan trong công tác tổ chức, sinh hoạt, hoạt động của Đảng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào và vì lý do gì thì việc xem nhẹ, hạ thấp cũng như nhận thức không thấu đáo, thực hiện không đúng, không nghiêm nguyên tắc dân chủ tập trung cũng làm tổn hại đến vị thế lãnh đạo, sức mạnh của Đảng và đó chính là một trong những căn nguyên dẫn đến sự thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Vì dân chủ tập trung là nguyên tắc cơ bản, có ý nghĩa sống còn trong tổ chức và hoạt động của Đảng, cho nên các thế lực thù địch đã không từ thủ đoạn nào, chiêu trò gì để xuyên tạc, bôi đen bản chất, đi đến đòi xóa bỏ nguyên tắc này nhằm mục đích thừa nhận/đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Âm mưu thâm độc này không ngoài mục tiêu gây mất đoàn kết dẫn đến tan rã, phân liệt trong Đảng; tạo sự hoài nghi, phân tâm, rối loạn trong xã hội dẫn đến bất ổn, mất ổn định về đời sống chính trị – xã hội của đất nước. Không thể có một Đảng Mácxít – Lêninnít cách mạng chân chính lại không thực thi nghiêm ngặt nguyên tắc dân chủ tập trung; đồng thời cũng không thể có một Đảng trong sạch, vững mạnh, được tổ chức chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới cơ sở và luôn thống nhất trong tư tưởng, hành động mà lại xa rời hay phủ nhận nguyên tắc này. Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không chỉ kiên quyết, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng chống mọi biểu hiện xa rời, buông lỏng, xem nhẹ nguyên tắc dân chủ tập trung (coi đó là biểu hiện rõ ràng nhất “tính Đảng”, phẩm chất đạo đức cách mạng của mỗi tổ chức cơ sở Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên), mà còn gắn việc thực hiện nguyên tắc căn cốt này với nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với Nhân dân… để xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Thực tế hơn 93 năm xây dựng và phát triển của Đảng đã cho thấy, việc tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ tập trung là vấn đề có tính chất sống còn, góp phần để mỗi tổ chức cơ sở Đảng luôn chặt chẽ về tổ chức, thống nhất về tư tưởng, đoàn kết trong nội bộ và nâng cao được năng lực, sức chiến đấu của cả đội ngũ. Việc thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ tập trung và thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng không chỉ tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, đảng viên được tự do phát biểu ý kiến của mình, thảo luận, tranh luận… đưa đến sự thống nhất chung; không chỉ khắc phục được sự áp đặt, quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền một chiều, mà còn góp phần phát huy mọi khả năng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi đảng viên trong từng tổ chức. Qua đó, thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất nội bộ, tăng cường đồng thuận vì lợi ích chung, mà còn góp phần từng bước ngăn chặn tệ nạn quan liêu, tham ô, tham nhũng và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thực tế, việc thấm nhuần những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện nghiêm nguyên tắc dân chủ tập trung, mở rộng và phát huy dân chủ đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng gắn với xây dựng các thiết chế, cơ chế để phát huy dân chủ, bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… trong những nhiệm kỳ gần đây đã góp phần làm nên một Đảng cách mạng gương mẫu, thống nhất giữa nói và làm. Vì vậy, bảo vệ và kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc dân chủ tập trung trong xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng luôn là nhiệm vụ sống còn của Đảng, không thể coi nhẹ, buông lỏng; và đó là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng./.

[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.245-296 (Thường thức chính trị là tập hợp 50 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Đ.X, đăng trên báo Cứu quốc năm 1953 và  năm 1954 được in thành sách)

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.275

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.282

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.280

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.286

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.286

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.620

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.30

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 830

Nguồn bài viết: https://hochiminh.vn/tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/nghien-cuu-tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/dan-chu-tap-trung-trong-dang-nhu-chu-tich-ho-chi-minh-chi-dan-9850

Bài viết cùng chủ đề: