Chủ tịch Hồ Chí Minh – “Người chiếu sáng”

12/06/2024
153 lượt xem

(HCM.VN) – Mỗi dịp Tháng Năm, nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn được UNESCO vinh danh, mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế lại nhớ về những cống hiến vĩ đại, tấm gương đạo đức mẫu mực của Người. Đó là tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng cao cả nhất của một người cộng sản “đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”[1] luôn khắc sâu trong lòng nhân dân Việt Nam, nhân dân các dân tộc yêu độc lập, tự do, hoà bình, công lý; luôn đồng hành cùng dân tộc kiên định trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bac Ho Lam Viec Trong Vuon Phu Chu Tich
Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch (năm 1957). Ảnh tư liệu

Với người cách mạng thì đức là gốc, tài là ngọn cành

Từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc –  Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa mà còn tiếp thu, chắt lọc, phát triển vượt gộp đạo đức truyền thống của dân tộc, của phương Đông và làm phong phú hơn nội hàm của đạo đức bởi sự gặp gỡ giữa quan điểm của Người với những nguyên lý khoa học, cách mạng của học thuyết Mác – Lênin về đạo đức cách mạng; đồng thời nâng bản chất nhân văn trong tư tưởng đạo đức truyền thống lên một nấc thang giá trị mới. Thực tế, là Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán thời dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ coi trọng sự phấn đấu, rèn mình toàn diện về tri thức, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, kỹ năng quản lý của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà Người còn đề cao sự tu dưỡng cá nhân, tinh thần tự soi, tự sửa mình thường xuyên, không ngừng, không nghỉ, để mỗi người luôn luôn: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”[2].

Những tiêu chuẩn về tư cách của người cán bộ cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu này chính là phẩm cách của người cộng sản. Đó là sự “kết tủa” tình người, sự cảm thông chia sẻ, yêu thương con người, bao dung nhân ái, khiêm nhường, cầu thị… hiển hiện trong mỗi người dân Việt được bồi đắp, phát triển xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã gặp gỡ, hoà quyện với sự chắt lọc những giọt tinh túy trong đạo đức cao thượng “tự do, bình đẳng, bác ái” của Đại cách mạng Tư sản Pháp 1789; đã gặp gỡ và bồi tụ với lòng yêu nước, thương dân, trung thành với lý tưởng cách mạng, tinh thần hy sinh mình vì mọi người/coi hạnh phúc của mình là đấu tranh cho hạnh phúc của mọi người, sự kiên trung, kiên định, quyết đoán, trung thành, bản lĩnh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đó chính là đạo đức mới/đạo đức cách mạng, đạo làm người của những người cộng sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm mới và tiếp biến những giá trị đạo đức truyền thống theo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin; đồng thời, mẫu mực thực hành hằng ngày, trong mỗi công việc.

Vì “làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[3], nên Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa đề cao vai trò của đạo đức cách mạng, vừa nhấn mạnh: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”[4]. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và yêu cầu của Người đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên thì “đức phải có trước tài” vì đức là gốc; vì “có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước” nên tài là ngọn cành; vì “có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai” nên tài – đức phải cùng hội tụ thì cán bộ, đảng viên mới đủ sức mạnh và bản lĩnh để “- Giàu sang không thể quyến rũ, – Nghèo khó không thể chuyển lay, – Uy lực không thể khuất phục”[5].

Từ những điều Người yêu cầu, có thể thấy, cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó – muốn xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân thì đều phải thường xuyên tu dưỡng, cố gắng học tập, nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, rèn luyện đạo đức cách mạng để tận tâm, tận lực phấn đấu cho lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân và kiên định, bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm. Hơn nữa, cũng theo lời Người, thì “đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, cho nên cán bộ, đảng viên nếu buông lơi sự tu dưỡng, phấn đấu sẽ trở thành thoái bộ, lạc hậu, chậm tiến/sẽ sa vào cá nhân chủ nghĩa – nguyên nhân của mọi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Càng có độ lùi của thời gian cũng như nhìn vào thực tế một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật bị xử lý nghiêm minh những nhiệm kỳ gần đây (trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, cán bộ ở cấp chiến lược…), thì càng thấy sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, giữa nói và làm, gương mẫu thực hành đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lan tỏa, hoà nhập với pháp luật và chính trị, kết hợp giữa đức trị và pháp trị. Đó chính là “chính trị cách mạng trong đạo đức” và “soi sáng chính trị từ bên trong” đã làm ngời sáng sự tận trung với nước, tận hiếu với dân của Người; đã soi sáng hành trình tu dưỡng, phấn đấu của mỗi con người.

Một Hồ Chí Minh giữa lúc giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm đang đe dọa nền độc lập dân tộc vừa giành được trong những ngày tháng 9/1945 đã không chỉ kêu gọi toàn dân “Sẻ cơm nhường áo”: “Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa, đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”, mà còn gương mẫu thực hiện không chỉ hấp dẫn mà còn quy tụ xung quanh mình mọi người dân Việt Nam yêu nước để cùng chung sức xây dựng, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám vẫn vẹn nguyên trong ký ức những người đương thời. Một Hồ Chí Minh luôn coi quyền lực và trọng trách được Tổ quốc và Nhân dân giao phó chỉ là “nhận sự ủy thác của quốc dân” đã cảm tạ và đề nghị đồng bào để mình được thực hiện quyền công dân: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ra ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa. Tôi xin thành thực cảm tạ đồng bào nam, phụ, lão ấu khu vực ngoại thành Hà Nội” khi được đề nghị không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946 tại Hà Nội không chỉ là biểu hiện sinh động nhất của sự gương mẫu chấp hành quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, mà còn thấu tình đạt lý, khiêm nhường trong từng cách ứng xử …

Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đức độ của Người là hiện thân của sự kết tinh đạo làm người và truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn liền với phẩm chất cao quý của người cộng sản trong thời đại mới. Những cống hiến không mỏi mệt của Người cho cuộc chiến đấu vì phẩm giá và quyền của con người, cho sự giải phóng hoàn toàn của các dân tộc, giai cấp và nhân loại khổ đau đã làm cho “tất cả những người có lương tri trên thế giới đều nhìn thấy ở Nguyễn Ái Quốc – “Người yêu nước”, ở Hồ Chí Minh – “Người chiếu sáng”, ở Bác Hồ – “Vị Chủ tịch kính mến”[6]. Chủ tịch Hồ Chí Minh và những giá trị về đạo đức cách mạng, về đạo làm người hiển hiện trong một Hồ Chí Minh đại nhân, đại trí, đại dũng không chỉ thuộc về nhân dân Việt Nam mà còn trở thành biểu tượng rực rỡ nhất trong đời thường và trong cuộc chiến đấu vì tự do, công lý của nhân loại cần lao; không chỉ khắc ghi sâu đậm trong khối óc, trái tim mỗi người, mà còn “chiếu sáng” và đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên hành trình đưa đất nước đến tương lai tươi sáng.

Noi theo tấm gương của Người để phòng và chống sự suy thoái từ sớm, từ xa

Càng nhìn thẳng vào thực tế công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng những nhiệm kỳ gần đây, càng thấy rõ rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người đầu tiên nêu ra và thực hiện một cách sinh động trong thực tiễn những chuẩn mực đạo đức cách mạng, mà Người còn đặc biệt quan tâm, giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cả cuộc đời Người đều dành cho lý tưởng cách mạng, đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, nhưng dù là bôn ba tìm đường cứu nước, đang phát biểu trước một diễn đàn quốc tế, bị giam cầm trong nhà lao của kẻ thù hay đã có 24 năm ở vị thế một nguyên thủ quốc gia thì sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự luôn gương mẫu trong mọi công việc, bất kể đó là việc lớn hay việc nhỏ, công việc đại sự quốc gia hay ứng xử đời thường. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, gương mẫu thực hiện trước không chỉ là nguyên tắc đạo đức, là lẽ sống của Người, mà còn là biểu hiện sinh động của sự thống nhất giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng, đạo đức và tác phong, giữa lý luận với thực tiễn. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Người cũng luôn nhất quán thực hành sự tu dưỡng đạo đức, luôn nêu gương nói trước, hành trước và kiên quyết phê bình những biểu hiện nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo… Không chỉ có vậy, Người còn cảnh báo sớm những biểu hiện, những chứng bệnh, những thói hư, tật xấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời kiên quyết phê bình những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, độc đoán, chuyên quyền, tham ô, tham nhũng, cánh hẩu, địa phương chủ nghĩa, lợi ích nhóm…

Một Hồ Chí Minh luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, luôn giản dị mà trí tuệ trong cuộc đời thường cũng như khi đang tranh đấu và sẵn sàng quên mình cho hết thảy đã đem lại sự hài hoà và làm lấp lánh hơn tư tưởng đạo đức, tấm gương đạo đức cách mạng sáng trong của Người. Đạo đức cách mạng hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được bắt đầu bằng việc giáo dục lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng cho những người yêu nước, cho lớp cán bộ cốt cán của Đảng ở lớp Huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, Trung Quốc những năm 1924-1927, mà còn là suốt đời mẫu mực thực hành, nêu gương cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Cho nên, “rất ít người đã hoặc sẽ làm được như Người, nhưng ai cũng có thể học được ở cuộc đời Người để làm người cách mạng và người dân tốt hơn. Người sẽ sống mãi trong trái tim, khối óc của tất cả các dân tộc, nhiều người sẽ được sống trong một thế giới tươi đẹp hơn mà Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn để xây dựng”[7].

Chủ tịch Hồ Chí Minh và những gì thuộc về Người, từ phẩm chất đến hành động; từ cuộc đời, sự nghiệp đến tấm gương đạo đức cách mạng tràn đầy tình yêu Tổ quốc và Nhân dân luôn sống mãi trong trái tim, khối óc mỗi người. Vì thế, muốn lòng mình luôn trong sáng, chí công vô tư, xứng đáng với niềm tin yêu, kính trọng của Nhân dân thì mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng đều phải tiếp tục thấm nhuần việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức của Người. Càng đối diện với khó khăn, gian khổ, thất bại, thử thách hay mật ngọt của “viên đạn bọc đường”, người cán bộ, đảng viên càng phải chú trọng học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt và tự rèn mình, tự soi, tự sửa hằng ngày gắn với nghiêm túc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, với Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, với Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm… để phòng và chống suy thoái từ sớm, từ xa.

Đó chính là giải pháp hữu hiệu, góp phần để mỗi cán bộ, đảng viên giữ vững phẩm cách của mình trước mọi sự xâm hại của chủ nghĩa cá nhân, trước sự quyến rũ của đồng tiền và tham vọng quyền lực; để trong mọi hoàn cảnh đều dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không vì bổng lộc, chức quyền, lợi ích nhóm… mà bất chấp Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, căn dặn. Đồng thời, tạo nên sức đề kháng/cơ sở vững chắc để mỗi cán bộ, đảng viên khi gặp khó khăn, thách thức không sợ sệt, rụt rè, lùi bước mà luôn giữ vững tinh thần chí công vô tư, tận tâm phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; để trong mọi lĩnh vực công tác đều không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa, không tham “vinh thân, phì gia” mà luôn “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” với tinh thần khiêm tốn, liêm chính như Người đã mẫu mực nêu gương suốt đời./.

———————————–

[1]Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1970, t.1, tr. 26- 27

[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.280-281

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.601

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.292-293

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.50

[6]Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1990, tr.55

[7]Trích cảm tưởng của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Ôxtơrâylia, trong Sổ ghi cảm tưởng của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, ngày 14/9/1974

Bài viết cùng chủ đề: