Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội “phải lấy chính trị làm gốc” – ý nghĩa và giá trị hiện thực

02/01/2024
300 lượt xem

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội “phải lấy chính trị làm gốc” có ý nghĩa và giá trị hiện thực to lớn, sâu sắc trên nhiều phương diện, từ lý luận đến thực tiễn, từ nhận thức đến hành động. Đây là kết tinh từ thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về bản chất quân đội cách mạng; từ vai trò và nhiệm vụ của quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản, phục vụ và bảo vệ nhân dân, bất kể trong tình huống nào.

7070152289
Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh tư liệu

Quân đội ta “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang, trách nhiệm nặng nề là: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, thì việc xây dựng Quân đội thật trong sạch, thật vững mạnh, xứng đáng với danh xưng cao quý mà nhân dân trao tặng “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất thiết “phải lấy chính trị làm gốc”. Đó là lập trường tính Đảng để giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân của Quân đội ta. Phải có đường lối chính trị đúng mới có cơ sở để xác định đúng phương hướng, nội dung và phương pháp hoạt động quân sự như một khoa học và một nghệ thuật của Quân đội: từ tổ chức lực lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy; giáo dục, rèn luyện binh sĩ đến củng cố mối liên hệ máu thịt quân – dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội “phải lấy chính trị làm gốc” mang tính toàn diện, cụ thể, vừa chú trọng hiệu quả, thiết thực, vừa phản ánh tầm nhìn xa trông rộng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa trí tuệ mưu lược với đạo đức cách mạng trong sáng, toàn tâm toàn ý phục vụ Tổ quốc và nhân dân của Hồ Chí Minh – người sáng lập, tổ chức và rèn luyện Quân đội ta, người cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân với truyền thống “bách chiến bách thắng”.

Những chỉ dẫn của Người mãi còn giá trị và ý nghĩa về tư tưởng và phương pháp để xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Cần phải nhận thức đúng và thực hành tốt những chỉ dẫn quan trọng đó của Người trong tình hình hiện nay.

Thực tiễn minh chứng, để chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, khi thông qua kế hoạch thành lập Đội, Hồ Chí Minh đã thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên Đội Việt Nam giải phóng quân. Và trong “Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, Người nêu rõ: tên “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” nghĩa là “chính trị trọng hơn quân sự”. Nó là đội tuyên truyền. “Đội” có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Nguyên tắc tổ chức lực lượng là “sẽ lựa chọn trong hàng ngũ những du kích Cao – Bắc – Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”. Đối với các đội vũ trang địa phương: tập trung huấn luyện các cán bộ địa phương rồi đưa về huấn luyện ở các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến. Về chiến thuật: “vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”. Người khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”1. Thực hiện Chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 đội viên được thành lập ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng đạo, Nguyên Bình, Cao Bằng (nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là một tài liệu ngắn gọn, súc tích, có tính chất như một Cương lĩnh quân sự vắn tắt, bao gồm những vấn đề chủ yếu trong đường lối quân sự của Đảng, nổi bật tư tưởng vũ trang toàn dân, kháng chiến toàn dân, nguyên tắc và phương châm xây dựng các đội quân chủ lực và phát triển lực lượng vũ trang địa phương, trong phương thức hoạt động thì kết hợp quân sự với chính trị, nguyên tắc tác chiến của lực lượng vũ trang nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội “phải lấy chính trị làm gốc” đã đặt nền tảng lý luận khoa học và cách mạng để xây dựng Quân đội ta ngay từ lúc mới ra đời. Chú trọng xây dựng Quân đội về chính trị là vấn đề hệ trọng đầu tiên, nhất quán trong tư tưởng quân sự và là học thuyết quân sự của Hồ Chí Minh. Sự phát triển lớn mạnh trong thực tiễn tổ chức lực lượng và hoạt động quân sự của đội quân chiến đấu gắn chặt với đội quân công tác, đội quân sản xuất của Quân đội ta cho thấy rõ sự sáng suốt của Người về tầm quan trọng quyết định của chính trị đối với sức sống và sức mạnh của quân đội cách mạng.

Tư duy biện chứng, quan điểm lịch sử cụ thể và quan điểm phát triển trong tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh nổi bật ở luận điểm “chính trị trọng hơn quân sự”, nghĩa là chính trị định hướng cho quân sự và hoạt động quân sự (tác chiến của quân đội) phải phục vụ cho mục đích chính trị. Đường lối chính trị đúng quyết định sinh mệnh của quân đội và bảo đảm cho mọi chiến thắng quân sự. Làm cách mạng để cứu nước, cứu dân, để giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào thì chính trị phải là chính trị yêu nước thương dân, cứu giống nòi ra khỏi tình cảnh nô lệ, bị áp bức, bóc lột và nô dịch của đế quốc thực dân, phong kiến. Lấy chính trị làm gốc nên vấn đề sinh tử của quân đội, của quân sự là phải dựa vào dân, làm cho dân giác ngộ, dân tin tưởng, dân ủng hộ và dân bảo vệ. Đó là cơ sở xã hội của Quân đội, là nguồn gốc sức mạnh để Quân đội từng bước trưởng thành trong lòng dân, để chiến đấu hy sinh quên mình vì nhân dân. Trong cuộc chiến đấu chống đế quốc thực dân, khi Quân đội ta còn nhỏ bé, vũ khí thô sơ, chỉ có thể chiến thắng kẻ thù bằng sức mạnh của nhân dân, do nhân dân nuôi dưỡng, cưu mang, che chở, bảo vệ. Khi đã phát triển, lực lượng dần lớn mạnh, vũ khí được tăng cường, một mặt nhờ dân giúp, mặt khác biết cướp súng địch mà diệt địch,… Quân đội vẫn phải luôn dựa vào dân. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: xa dân, thoát ly khỏi đời sống dân chúng thì tài giỏi mấy cũng không làm được gì.

Chính trị trọng hơn quân sự là luôn luôn thấm nhuần tư tưởng, tính chất nhân dân, làm chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, xây dựng “thế trận lòng dân”, quân với dân như cá với nước, toàn dân tham gia cùng các chiến sĩ – con em mình – giết giặc lập công,… chứ không phải tách rời chính trị với quân sự, càng không phải chính trị suông, quân sự thuần túy. Do đó, trong thực hiện, phải hết sức coi trọng công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức trong Quân đội, đẩy mạnh giáo dục lý tưởng và truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng mà linh hồn và cốt lõi là lòng yêu nước thương dân, làm nòng cốt và gương mẫu trong công tác dân vận cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội.

Hồ Chí Minh không chỉ bổ sung mà còn đặc biệt nhấn mạnh hai chữ “tuyên truyền” trong tên “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Người thường xuyên quan tâm tới công tác tư tưởng với các hình thức giáo dục, tuyên truyền, vận động trong Quân đội; Người đòi hỏi mọi cán bộ, chiến sĩ phải làm tốt công tác dân vận, nhất là “dân vận khéo”. Đó là điểm đặc sắc – một trong những bí quyết của mọi thành công, mọi thắng lợi của Quân đội ta. Người chú trọng không chỉ “dân vận” mà còn “binh vận” và “địch vận”. Đó là minh chứng thể hiện sinh động: chính trị trọng hơn quân sự, của đường lối xây dựng quân đội “phải lấy chính trị làm gốc”.

Hồ Chí Minh luôn tin vào sức mạnh tiềm tàng và sức sáng tạo của dân nên Người nhấn mạnh “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”2, “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ”3. Người căn dặn cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải kính trọng dân, giúp đỡ dân; phải trung với Nước, với Đảng, hiếu với dân. Gắn chặt lòng trung thành với Nước, với Đảng, đồng thời gắn chặt trung với hiếu, gắn chặt Đảng với Nước, với Dân, Hồ Chí Minh thể hiện đậm nét chính trị gắn liền với đạo đức, đạo đức ở trong chính trị. Nếu xây dựng Quân đội “phải lấy chính trị làm gốc” thì đồng thời đạo đức là gốc của chính trị trong nhân cách của cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Xây dựng chính trị đồng thời cũng là giáo dục, rèn luyện đạo đức. Chỉ như vậy mới làm cho “Bộ đội ta là bộ đội nhân dân, bộ đội cách mạng, có truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần kiệm, chất phác, việc khó khăn nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được. Đó là truyền thống, đạo đức, tác phong tốt, phải luôn luôn giữ vững và phát triển”4.

Phương châm chỉ đạo của Hồ Chí Minh là “người trước súng sau”, do vậy, phải chú trọng việc học tập chính trị của Quân đội: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo. Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”5. Người chỉ thị: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội”6. Đó là những vấn đề cơ bản, cốt yếu về xây dựng chính trị trong Quân đội, là nền tảng lý luận chính trị trong xây dựng Quân đội cách mạng của nhân dân, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với Quân đội và quân sự. Đây là luận điểm điển hình về quan hệ giữa chính trị và quân sự. Quân đội và quân sự nhất thiết không được tách rời chính trị. Ý nghĩa hiện thời của luận điểm quan trọng này ngày càng sáng tỏ khi Quân đội ta vào lúc này phải ra sức chú trọng xây dựng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và nâng cao bản lĩnh cách mạng; kiên quyết vạch trần, chống lại âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động hòng “phi chính trị hóa” Quân đội.

Với nhãn quan chính trị xa rộng, việc triển khai nội dung toàn diện và phương pháp khoa học trong xây dựng Quân đội, Hồ Chí Minh xác định: tất cả cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân đã cố gắng, cần cố gắng nữa, đã tiến bộ phải tiến bộ nữa, tiến bộ mãi, thắng lợi không được chủ quan, khinh địch, tự kiêu, tự mãn, thất bại thì phải triệt để kiểm thảo, thường xuyên tự phê bình và phê bình để rút ra kinh nghiệm và bài học, để nêu cao ý chí, tiếp tục vươn lên, giành thắng lợi mới, trọn lòng tận trung tận hiếu với Đảng, với Dân. Người chỉ thị: “Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, kỹ thuật và văn hóa, ra sức công tác và lao động, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết, khiêm tốn, hết lòng vì Đảng, vì dân. Phải nâng cao chí khí chiến đấu, luôn luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”7.

Đây là những yêu cầu mà Người đặt ra cho Quân đội ta cũng là niềm tin tưởng sâu sắc của Người đối với Quân đội nhân dân anh hùng do Đảng quang vinh lãnh đạo. Trong Thư gửi cán bộ, chiến sĩ nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Người căn dặn: “Phải giữ vững đạo đức của người quân nhân cách mạng, dũng cảm, mưu trí, đoàn kết, kỷ luật, cần kiệm, phải luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu”8, phải cố gắng học tập và luôn gương mẫu về đạo đức cách mạng. Người đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh tới phẩm chất, bản lĩnh của người làm tướng, phải nêu cao sự gương mẫu cho đồng đội, chiến sĩ và nhân dân noi theo. Phải đề cao tinh thần đồng đội, coi nhau như ruột thịt, đồng cam Trí – Tín,… cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, chịu đựng, hy sinh. “Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: TRÍ – TÍN – NHÂN – DŨNG – LIÊM”9, “Cần, Kiệm, Liêm, Chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng”10. Đặc biệt, người chú trọng tới vai trò và đức tính của chính trị viên: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ thì bộ đội ấy không tốt”11. Người căn dặn: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”12, do đó “Chính trị viên phải làm người kiểu mẫu trong mọi việc”13.

Lấy chính trị làm gốc trong xây dựng Quân đội, còn phải đặc biệt chú trọng sự đoàn kết giữa các quân nhân, giữa Quân đội với nhân dân. Người kết luận: “Toàn dân đoàn kết. Tướng sĩ dũng cảm. Chính trị vững chắc. Chỉ huy khôn khéo. Bốn điều ấy hợp lại, làm cho kháng chiến nhất định thắng lợi”14.

Tư tưởng quân sự, học thuyết quân sự Hồ Chí Minh đề cập tới một hệ vấn đề rộng lớn, toàn diện, sâu sắc về Quân đội nhân dân, vũ trang nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, thế trận lòng dân, mối quan hệ không tách rời giữa chính trị và quân sự, mối liên hệ mật thiết giữa quân và dân như cá với nước. “Phải lấy chính trị làm gốc” trong xây dựng Quân đội, nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là một trong những vấn đề cốt yếu, hệ trọng trong tư tưởng quân sự, trong đường lối quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta và Quân đội ta nghiên cứu vận dụng, thực hành sáng tạo trong gần 80 năm qua. Lịch sử vẻ vang của Quân đội ta cũng đồng thời là lịch sử vẻ vang của Đảng, của Nhân dân ta trong đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước; bảo vệ chủ quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lập nên những công trạng vẻ vang, những kỳ tích lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh. Ngày nay, Quân đội ta đang phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, ra sức nỗ lực xây dựng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đó là tiếp nối vẻ vang truyền thống của Đảng, của dân tộc và Quân đội ta trong thời hiện đại.

_____________

1 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 540.

2 – Sđd, Tập 5, tr. 485.

3 – Sđd, Tập 6, tr. 264.

4 – Sđd, Tập 10, tr. 490.

5 – Sđd, Tập 7, tr. 217.

6 – Sđd, Tập 8, tr. 29.

7 – Sđd, Tập 12, tr. 384 – 385.

8 – Sđd, Tập 15, tr. 544-545.

9 – Sđd, Tập 5, tr. 259.

10 – Sđd, Tập 7, tr. 220.

11 – Sđd, Tập 5, tr. 484.

12 – Sđd, Tập 5, tr. 484.

13 – Sđd, Tập 5, tr. 485.

14 – Sđd, Tập 5, tr. 626.

Bài viết cùng chủ đề: