(HCM.VN) – “Truyện về Hồ Chí Minh” là ấn phẩm có giá trị, góp phần làm sáng rõ cuộc đời, sự nghiệp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến những năm đầu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Truyện về Hồ Chí Minh”. Ấn phẩm do Nguyễn Hải Hoành và Dương Trung Dũng dịch từ một ấn phẩm tiếng Trung, PGS.TS. Lê Văn Toan hiệu đính.
Tháng 6/1949, Nhà xuất bản Bát Nguyệt (Thượng Hải, Trung Quốc) đã xuất bản, phát hành cuốn sách “Hồ Chí Minh truyện”. Cuốn sách này được Trương Niệm Thức dịch từ một tác phẩm của Trần Dân Tiên. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhận thấy, đây là một cuốn sách rất có giá trị, góp phần làm sáng tỏ cuộc đời, hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến những năm đầu sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.
Cuốn sách về Hồ Chủ tịch được xuất bản tại Trung Quốc năm 1949 đã cho thấy, vào giữa thế kỷ XX, lãnh tụ Hồ Chí Minh không chỉ có công lao to lớn đối với dân tộc Việt Nam mà còn có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là đối với các nước thuộc địa ở Á, Phi, Mỹ Latinh lúc bấy giờ.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức biên dịch và xuất bản cuốn sách tiếng Trung này sang tiếng Việt với tinh thần tôn trọng và bám sát tối đa bản gốc từ nội dung đến hình thức thể hiện với tựa đề “Truyện về Hồ Chí Minh”.
TS. Nguyễn Thị Trang, Biên tập viên Ban sách Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, trong cuốn sách có không ít câu chuyện cảm động và ấn tượng. Trong đó, TS. Nguyễn Thị Trang ấn tượng nhất với nhóm các câu chuyện số 11, 12, 13, kể về thời kỳ Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Pháp, tham gia Đảng Xã hội Pháp và bắt đầu tìm hiểu về những vấn đề lý luận chính trị. Lúc này, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc rất tích cực tham gia và hoạt động sôi nổi trong các chương trình của Đảng Xã hội Pháp, đặc biệt là các cuộc mít-tinh bàn về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ mọi lúc mọi nơi, chắt chiu, dành dụm tiền để tìm mua và đọc sách, báo; sau đó là học viết báo, và sáng lập ra Báo Người cùng khổ (La Pria) với tôn chỉ là khơi dậy tinh thần đấu tranh chống thực dân và sự đoàn kết của các dân tộc thuộc địa.
“Ngay từ thời điểm ấy, khi mà hệ tư tưởng và con đường cứu nước vẫn chưa hình thành rõ nét, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rất rõ vai trò của sách, báo, tạp chí với tư cách là công cụ truyền bá tư tưởng và là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng; muốn xây dựng, bảo vệ và phát triển tư tưởng cách mạng, nhất thiết phải có sách, báo, tạp chí cách mạng và những người “chiến sĩ” tiên phong trên mặt trận tư tưởng. Điều này vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay và được Đảng ta kế thừa, phát triển trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc đất nước trong tình hình mới”, TS. Nguyễn Thị Trang chia sẻ.
Dịch giả Dương Trung Dũng cho hay, việc tiếp cận với bản tiếng Trung của cuốn sách Truyện về Hồ Chí Minh là một quá trình rất lâu dài và có nhiều cơ duyên thú vị. Vốn dĩ, cách đây khoảng 30 năm, từ khi còn là sinh viên, anh đã được nghe kể có một cuốn sách Truyện về Hồ Chí Minh được xuất bản ở Trung Quốc từ rất sớm, trước cả khi nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập. Anh luôn lưu tâm và nung nấu mong muốn tìm cho ra cuốn sách này nhưng không có manh mối nào để có nó.
Năm 2012, Thư viện Quốc gia Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan, Trung Quốc) đăng trên mạng Internet bản scan toàn bộ cuốn sách về Hồ Chí Minh mà anh đi tìm bấy lâu nay. Anh tìm mọi cách để mua được cuốn sách gốc, nhưng đều thất bại. Mãi tới năm 2019, nhờ một tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử kiến trúc cổ học người Việt Nam đã học tập và làm việc ở Trung Quốc 16 năm, anh đã tìm được cuốn sách này. Nhưng do dịch bệnh COVID-19, mất một quãng thời gian dài dằng dặc chờ đợi, đến tận tháng 4/2022, anh mới có được bản gốc của cuốn sách này.
Nói đến việc dịch thuật cuốn sách “Truyện về Hồ Chí Minh”, khi đọc bản thảo bằng tiếng Trung, dịch giả Dương Trung Dũng nhận thấy đây thực sự là một tư liệu quý. Do đây là một tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, nên anh quyết định mời Nguyễn Hải Hoành – một dịch giả tiếng Trung có kiến thức lịch sử, văn hóa rất sâu sắc, nhiều kinh nghiệm dịch thuật làm trưởng nhóm dịch.
“Dịch giả Nguyễn Hải Hoành nhận lời dịch cuốn sách với quyết tâm rất cao dù đã 82 tuổi và đang mang bệnh suy tim. Bản dịch được thực hiện rất cẩn thận trong gần một năm mới hoàn thành. Chúng tôi vui mừng vì có một bản sách gốc, bổ sung thêm được các tư liệu mới về Hồ Chí Minh” – dịch giả Dương Trung Dũng bày tỏ.
Là nhà khoa học dành trọn cuộc đời mình với nghiên cứu Hán học, văn hóa, tư tưởng Phương Đông, đảm nhận vai trò hiệu đính của cuốn sách, PGS.TS. Lê Văn Toan (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, cuốn sách xuất bản năm 1949 bằng chữ Hán, do đó, khi biên dịch và hiệu đính cần có những chuyển ngữ sao cho vừa đảm bảo được tính chính xác về hàm nghĩa, đảm bảo được tính tường minh, khúc chiết, rõ ràng của một tác phẩm truyện ký, lại vừa phải mang đậm văn phong của tiếng Việt để tạo sự gần gũi và rung cảm của độc giả Việt Nam.
PGS.TS. Lê Văn Toan chia sẻ: Khi thực hiện công việc hiệu đính cuốn sách này, tôi thấy đây là một nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang vì bản thân tôi nhận thức được, nếu làm tốt sẽ có đóng góp nhất định vào việc làm rõ những gì mà người đời chưa biết về Bác, góp phần để các nhà nghiên cứu và toàn dân quan tâm đến cuộc đời, sự nghiệp của Bác nhận thức sâu sắc hơn về thân thế, cuộc đời hoạt động của vị Cha già kính yêu của dân tộc.
|
Nguồn bài viết: https://hochiminh.vn/tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/noi-dung-tu-tuong-dao-duc/ra-mat-cuon-sach-quy-ve-chu-tich-ho-chi-minh-9800