Luôn khắc ghi lời Bác dạy “Vững tin vào thắng lợi cuối cùng” ​

23/10/2023
245 lượt xem

(HCM.VN) – Niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ là cội nguồn sức mạnh làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực để nhân dân trao gửi niềm tin và Người cũng là hiện thân của đức tin kiên cường vào “những thắng lợi cuối cùng” của cách mạng Việt Nam. 70 năm qua, niềm tin ấy luôn được Đảng củng cố, phát huy, giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng, và Đảng luôn vì niềm tin của nhân dân để hy sinh, phấn đấu.

Trong bộn bề công việc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cuối cùng đầy thử thách, tháng 7/1953 với bút danh DIN, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Chúng tôi tin vào thắng lợi cuối cùng”. Bài viết của Người điểm lại những nhiệm vụ đạt được của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đồng thời cũng nêu lên những khó khăn nhiều mặt của cuộc kháng chiến. Mặc dù còn những hạn chế về tương quan lực lượng, về hậu cần quân đội, về tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhưng Người khẳng định: “Chúng tôi không say sưa với thắng lợi và không đánh giá quá thấp kẻ địch, nhưng chúng tôi tự cảm thấy ngày càng mạnh lên, ngày càng thêm vững tin vào thắng lợi cuối cùng”[1].

Với nền tảng vững chắc của niềm tin như vậy, nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù thử thách cam go đến đâu, Bác vẫn tin rằng nhân dân là người chiến thắng, cách mạng cuối cùng sẽ thắng lợi vì có sức mạnh vô địch của nhân dân. Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã đề nghị tiến hành tổng tuyển cử càng sớm càng tốt. Nhiều người lúc bấy giờ lo lắng bởi dân ta tốt, nhưng chưa quen, chưa đủ nhận thức để có thể làm chủ lá phiếu bầu của mình trong một thể chế dân chủ vừa mới được hình thành. Thêm nữa là thù trong, giặc ngoài đang gia tăng sức ép mọi mặt đối với nhà nước công nông non trẻ. Có thể nói trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh vẫn có niềm tin vững chắc vào sức mạnh và sự sáng suốt của nhân dân. Nhiều tổ chức đã đề nghị Bác không cần ứng cử, Bác là đại biểu suốt đời của cách mạng, nhưng Bác đã ứng cử tại Hà Nội cùng hơn 70 ứng viên khác để chọn 6 đại biểu. Bác tin vào nhân dân và niềm tin ấy hoàn toàn đúng đắn. Bác đã trúng cử với số phiếu cao nhất. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam ngày 6/1/1946 đã bầu ra Quốc hội, với các đại biểu được nhân dân bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, khẳng định sức mạnh của Nhà nước dân chủ cộng hòa – Nhà nước đã lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Trước khi sang thăm nước Pháp, khi chính quyền non trẻ vừa mới thành lập, việc lãnh đạo Chính phủ gặp không ít khó khăn, nhưng Người vẫn giữ vững niềm tin tuyệt đối để giao toàn quyền điều hành cho cụ Huỳnh Thúc Kháng với lời căn dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chính niềm tin trọn vẹn đó của Người đã thu hút được nhiều nhân sỹ, trí thức Việt Nam ở nước ngoài từ bỏ giàu sang vinh hoa, phú quý, chấp nhận khó khăn, gian khổ để theo Bác làm cách mạng. Nhân cách lớn và niềm tin của Hồ Chí Minh đối với con người có sức lan tỏa, lôi cuốn mạnh mẽ để nhân dân đi theo Đảng làm cách mạng. Ngày 17/7/1966, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng lực lượng không quân hùng hậu, trong lời kêu gọi của Người, vẫn mãnh liệt niềm tin chiến thắng của cả dân tộc“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”[2].

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân, dân ta chịu nhiều khó khăn, tổn thất, nhưng Bác vẫn luôn tin tưởng “Chắc chắn giặc Mỹ sẽ hoàn toàn thất bại. Quân và dân ta trong cả nước, thừa thắng xông lên, nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn”[3]. Trong thư Chúc mừng năm mới Xuân 1969, thể hiện hơn bao giờ hết niềm tin của Người vào ngày thắng lợi vẻ vang của dân tộc:

          “ Năm qua thắng lợi vẻ vang

             Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

          Vì độc lập, vì tự do,

           Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

                     Tiến lên! Chiến sỹ, đồng bào,

                   Bắc – Nam sum họp, Xuân nào vui hơn !”[4]

Tháng 5/1969, mở đầu lời viết Di chúc, Người đã viết bổ sung những lời căn dặn đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”[5]. Điều đó chứng tỏ niềm tin tất thắng và ý chí quyết tâm của Người ngày càng mãnh liệt hơn.

Thực hiện Di chúc của Bác, cả nước sôi sục khí thế quyết tâm, tạo nên một khí thế cách mạng mạnh mẽ, quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Ngoài chiến trường, bộ đội thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương thực hiện khẩu hiệu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,… Quân và dân hai miền Nam – Bắc luôn kề vai, sát cánh đánh thắng và làm thất bại các chiến lược quân sự của Mỹ như: “chiến tranh đơn phương”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, đến “Việt Nam hoá chiến tranh”, buộc đế quốc Mỹ phải rút quân về nước. Với quyết tâm sắt đá ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân ta thực hiện “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975, thực hiện trọn vẹn mong ước của Người.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng suốt của Đảng; là thắng lợi của niềm tin sắt đá và ý chí cách mạng tiến công; là quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện Di chúc và lời hứa trước anh linh của Người.

93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, củng cố, phát huy niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam luôn khắc ghi một niềm tin với Đảng và Đảng luôn tin dân, vì dân, thực hiện mọi thắng lợi của cách mạng. Kể từ khi khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước đến nay, đất nước ta đã đạt được “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử,….Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[6]. Những thành tựu đạt được, đó là sản phẩm kết tinh sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng và quân dân cả nước. Đảng luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh để lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Công tác xây dựng Đảng được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Thực hiện lời dạy của Bác “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, Đảng luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”; tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[7].


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 8, tr189.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 15, tr 131.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr 532.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr 533.

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr 618.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr 25.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr 28.

 

Nguồn bài viết: https://hochiminh.vn/tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/nghien-cuu-tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/luon-khac-ghi-loi-bac-day-vung-tin-vao-thang-loi-cuoi-cung-9305

Bài viết cùng chủ đề: