“Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”

04/02/2023
417 lượt xem
(HCM.VN) – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, nên mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Hơn 90 mùa xuân xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng xây dựng và chỉnh đốn để giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân.
Thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (13/9/1958)
 
  1. Cán bộ, đảng viên phải luôn tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của cá nhân nào”[1]. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, Người lại nhấn mạnh bản chất của một Đảng cách mạng chân chính trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947) rằng: “1. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng (…) 4. Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không. 5. Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. 6. Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng. Chẳng những không nâng cao được dân chúng, mà cũng không biết ý kiến của dân chúng (…) 8. Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ và đảng viên (…)  10. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài. 11. Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng. 12. Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”[2].
Đồng thời, cũng không phải tự nhiên Người lại yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng “trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”[3]; phải luôn thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính và nhất là phải có/phải chú trọng rèn luyện 5 đức tính quý báu: “a) NHÂN là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân, vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. b) NGHĨA là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng, ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất cứ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng đúng đắn. c) TRÍ là vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cân nhắc người tốt, đề phòng người gian. d) DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc là phải có gan làm. Thấy khuyết điểm phải có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc. đ) LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ là ham học, ham làm, ham tiến bộ”[4] để xứng đáng là người đày tớ, “công bộc” của dân chứ không phải là “cha mẹ của dân”.
Bởi rằng, có một sự thật không thể phủ nhận là, lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã cho thấy, cùng với mỗi bước ngoặt của sự nghiệp cách mạng là tình hình, nhiệm vụ của Đảng cũng có sự thay đổi và đi liền cùng đó là những yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn của người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Song, ở đâu và lúc nào, dù hoạt động bí mật hay đã trở thành Đảng cầm quyền, thì thực tế cũng cho thấy, Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã luôn thấu triệt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm tròn nhiệm vụ và xứng đáng với vị thế “kép”/vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của dân. Trên mọi lĩnh vực công tác, mỗi cán bộ, đảng viên đều tuân thủ các nguyên tắc xây dựng một Đảng Mácxít – Lêninnít (tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đoàn kết thống nhất; kỷ luật nghiêm minh; tự phê bình và phê bình; gắn bó mật thiết với nhân dân…), đồng thời, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng với tinh thần tự soi, tự sửa mình để phòng và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Bởi rằng, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã luôn nhận thức sâu sắc những yêu cầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên phải có, phải khắc cốt ghi tâm – đó chính là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng; là tuân thủ Điều lệ Đảng và giữ vững kỷ luật của Đảng; là nghiêm túc thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; là luôn đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân mình và hết lòng hết sức phục vụ nhân dân với tinh thần liêm chính. Thực thi công tác, mỗi cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị đã không chỉ dám nghĩ, dám làm trên tinh thần “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – văn hóa, xã hội, mà còn chú trọng lời dặn của Người là phải “lấy chữ Liêm làm đầu… Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người tài năng, làm được việc… Chớ lên mặt làm quan cách mệnh”[5], để được nhân dân tin yêu và quý trọng.
Và cũng bởi rằng, là Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định, nhấn mạnh những yêu cầu về Đảng, về đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải tuân thủ, suốt đời tu dưỡng và thực hành như đã nêu trên, mà Người còn là một mẫu mực của tấm gương người lãnh đạo, người đầy tớ luôn gắn bó, thật trung thành và phụng sự Tổ quốc, nhân dân với tinh thần liêm chính. Trên những chặng đường cách mạng của cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đau đáu khát vọng và nỗ lực đấu tranh để Tổ quốc được tự do, độc lập, người dân được sống ấm no, hạnh phúc, để nhân dân thực sự là chủ/làm chủ vận mệnh của mình, tự quyết định tương lai của đất nước mình, mà Người còn đặc biệt quan tâm vấn đề xây dựng Đảng, rèn luyện Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để Đảng “là đạo đức, là văn minh”. Đặc biệt, trong hơn ¼ thế kỷ đảm nhiệm vị thế nguyên thủ quốc gia, mỗi suy nghĩ và việc làm của Người về đối nội, đối ngoại; mỗi quyết sách của Người cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đều không ngoài mục đích “ích quốc lợi dân”, tất cả vì nhân dân phụng sự. Một Hồ Chí Minh luôn “được nhân dân kính mến, được các bạn hữu khâm phục, được kẻ thù tôn trọng, Người là một trong những nhân vật hoạt động chính trị và là lãnh tụ nhân dân cao quý nhất của thế kỷ này. Số mệnh không để cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thấy kết quả những cố gắng của cả một đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Nhưng tấm gương của Người sẽ còn sống mãi trong lòng của tất cả những ai trên thế giới tin tưởng vào sự nghiệp của công lý, độc lập và hoà bình”[6], đúng như Quốc trưởng Campuchia -Nôrôđôm Xihanúc từng nhận định.
  1. Đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng gắn với xây dựng và chỉnh đốn để Đảng trong sạch, vững mạnh
Quán triệt những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng cách mạng “không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, nhất là phòng và chống những biểu hiện suy thoái, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương như: phai nhạt lý tưởng cách mạng; cơ hội, chạy theo chức quyền để thu vén lợi ích cá nhân; cậy quyền, ỷ thế để tham ô, tham nhũng, làm giàu bất chính… Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, phù hợp; không chỉ tổ chức và lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mà còn chú trọng vấn đề làm trong sạch Đảng để Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong.
Trên hành trình hơn 9 thập niên xây dựng và hoạt động, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng được chú trọng, được tổng kết qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc và được triển khai sâu rộng theo các Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng gắn với việc tu dưỡng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, dù xây dựng, chỉnh Đảng được đẩy mạnh, song trong những nhiệm kỳ gần đây, trong Đảng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, mà một trong những biểu hiện rõ nhất chính là họ không còn thấm nhuần lời dặn “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bị quyền lực làm cho tha hóa, họ đã lợi dụng quyền lực chính trị mà nhân dân ủy thác để mua bán, trao đổi, ban phát nhằm trục lợi cho mình và nhóm lợi ích của mình. Ở những ở cơ quan, địa phương, đơn vị có những người như vậy, thì tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát chỉ còn là hình thức, chiếu lệ và thay vào đó là tệ nạn gian dối trước cấp trên, cấp dưới và nhân dân đã trở thành vấn nạn.
Thực tế là, những thói hư, tật xấu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên này đã dẫn đến tình trạng cánh hẩu, phe nhóm lợi ích, địa phương chủ nghĩa nhằm trục lợi từ chính sách, từ những liên minh ma quỷ… Việc không còn gương mẫu, nói một đằng, làm một nẻo, không còn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và nhất là không còn phụng sự Tổ quốc và nhân dân với tinh thần liêm chính của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái gắn với những vụ án liên quan đến tham nhũng gần đây đã làm cho sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong từng cơ quan, địa phương, đơn vị bị rạn nứt. Thực trạng này không chỉ gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, làm tổn hại đến danh dự, uy tín của Đảng, mà còn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì thế, để phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ, Đảng chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Thực tế cho thấy, để cán bộ, đảng viên thực sự “làm người đày tớ nhân dân chứ không phải làm quan nhân dân[7] như Chủ tịch Hồ Chí Minh cặn dặn, việc quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ  gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, với Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, với Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương” và Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”… trong toàn Đảng, từ Trung ương đến địa phương những năm qua đã góp phần phát hiện sớm những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vụ lợi từ những người đã suy thoái để kịp thời xử lý theo Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng và pháp luật.
Đặc biệt, thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với Thông báo Kết luận số 12-TB/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”, với Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “Hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực”… và nhất là nhờ quyết tâm chống tham nhũng quyết liệt, không ngừng, không nghỉ trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù đang còn công tác hay đã nghỉ chế độ, nên kết quả của cuộc đấu tranh đầy cam go, thử thách này đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe những người muốn lợi dụng/lạm dụng quyền lực để “làm quan phát tài” đã từng bước được ngăn chặn, kiểm soát. Đồng thời, những kết quả đạt được trong đấu tranh chống tham nhũng gắn với xây dựng và chỉnh đốn Đảng (được thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống của Đảng và Nhà nước) đã chứng minh rằng, đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam không phải là “tranh giành, đấu đá giữa các nhóm quyền lực”, càng không phải là “thanh trừng nội bộ”, mà chính là nhằm sàng lọc, đưa những con sâu mọt ra khỏi Đảng và xử lý nghiêm minh theo pháp luật, để làm trong sạch Đảng, để “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”.
Cuối cùng, phải khẳng định rằng: Càng nhiều cam go, thử thách thì Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng càng phải thấu triệt chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” và cán bộ, đảng viên “làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng”, để thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng; không ngừng nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn; rèn luyện bản lĩnh chính trị… Và càng kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên càng phải tận tâm, nỗ lực vì dân vì nước, để Đảng luôn xứng đáng với vị trí, vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và hệ thống chính trị đã được hiến định tại Điều 4, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.607
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.289-290
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.52
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.292
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr 123
[6] Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, t.1, tr.153
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.292
                                                                                                                                                    Văn Thị Thanh Mai
Theo nguồn: hochiminh.vn

Bài viết cùng chủ đề: