Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tấm gương mẫu mực cho các thế hệ nhà giáo

25/11/2022
516 lượt xem
Trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng đầy sôi nổi và vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những dấu ấn về người thầy và nghề dạy học của Người diễn ra trong thời gian tương đối ngắn. Song, tư tưởng, phẩm chất, phương pháp, tác phong dạy học và những quan điểm về giáo dục của Bác mãi mãi là tấm gương mẫu mực để các thế hệ nhà giáo noi theo.
 
Sinh thành trong gia đình có nền nếp gia phong, giữ đạo hiếu học, nhân nghĩa của vùng đất giàu truyền thống yêu nước và được trải nghiệm theo cha đi dạy học từ thời niên thiếu; được “hầu trà, bê tráp” cho các bậc cha chú luận bàn việc nước, đàm đạo chính sự và những bài học “vỡ lòng” từ các thầy trong nhóm “Tứ hổ Nam Đàn”,… đã nuôi dưỡng và sớm hình thành nhân cách mẫu mực người thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Dấu mốc khắc ghi mở đầu nghề giáo của Nguyễn Tất Thành là thời gian Người tham gia dạy học tại trường Dục Thanh, Phan Thiết, Bình Thuận (1910 – 1911). Tại đây, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã hết lòng truyền đạt tri thức, tư tưởng tiến bộ, chỉ ra tầm quan trọng đối với việc học; giáo dục cho người học về nguồn cội, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và nỗi niềm trăn trở của người dân mất nước. Với niềm tự hào về giống nòi “Con Rồng cháu Tiên”, thông qua bài học Sử ký “Hùng Vương dựng nước, đời Hồng Bàng”, Thầy đã gieo vào tâm trí học trò lòng biết ơn đối với các vua Hùng đã có công dựng nước; hiểu biết về “Bọc trăm trứng” chính là lòng mẹ, chung một mẹ – cùng một nòi giống; hai tiếng thiêng liêng “đồng bào” – nghĩa là cùng bọc, cùng một dòng máu, huyết thống, v.v. Quá trình dạy học, Thầy không chỉ tập trung vận động thực hiện duy tân đất nước, mở mang dân trí, rèn luyện thể lực cho thanh niên theo mô hình Đông Kinh Nghĩa Thục của trường Dục Thanh lúc bấy giờ; mà còn tích cực đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, gắn học trên lớp với tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giáo dục cho học trò hiểu những quan điểm tiến bộ.
 
Với lòng yêu nước nồng nàn và tài năng xuất chúng, Nguyễn Ái Quốc quyết định ra đi tìm đường cứu nước và tổ chức truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam (1911 – 1930). Trăn trở với từng bài giảng về truyền thống lịch sử văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam, xót xa khi chứng kiến “hồn thiêng sông núi, dáng hình chữ S ngày càng lu mờ trên bản đồ thế giới” trước họa xâm lăng và nỗi nhục của người dân mất nước đã thôi thúc thầy giáo Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp bản “Sơ thảo lần thứ nhất những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Từ đây, bằng những hoạt động phong phú, khoa học, sáng tạo, Người đã tích cực chuẩn bị cả về lý luận và tổ chức để tiến hành truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam. Tháng 6/1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Đây là một sáng tạo có chủ đích của Nguyễn Ái Quốc, nhằm đưa chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối và phương pháp đấu tranh cách mạng mới vào phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam. Tiếp đó, Người mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho việc tuyên truyền những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào cách mạng nước nhà. Từ đầu năm 1925 đến năm 1927, Người đã trực tiếp huấn luyện 75 học viên những vấn đề cơ bản nhất về chủ nghĩa Mác – Lênin, những nguyên tắc hoạt động bí mật và kỹ năng thực hành các công tác vận động quần chúng…, khi học xong những người này trở về nước và đến Thái Lan (Xiêm) hoạt động. Họ đã trở thành những người tuyên truyền, tổ chức phong trào cách mạng trong nước và Việt kiều ở Thái Lan.
 
Chủ Tịch Hồ Chí Minh Tấm Gương Mẫu Mực Cho Các Thế Hệ Nhà Giáo
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali Môđibô Câyta đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ngày 21/10/1964). (Ảnh tư liệu)
Nổi bật về hoạt động giáo dục của Người khi tập Đề cương bài giảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc biên soạn làm tài liệu huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (1925 – 1927) đã được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản thành sách với nhan đề “Đường Kách mệnh” và trở thành tài liệu căn bản để tuyên truyền giác ngộ chính trị theo chủ nghĩa Mác – Lênin, hướng dẫn các mặt hoạt động tuyên truyền, tổ chức, công tác, tranh đấu, tu dưỡng rèn luyện nhân cách của Hội Thanh niên. Tác phẩm “Đường Kách mệnh” đã giải quyết hầu hết các “nút thắt” khủng hoảng trầm trọng cả về đường lối và phương pháp cách mạng, nhất là sự khủng hoảng về tổ chức cách mạng của phong trào cách mạng trong nước. Thông qua “Đường Kách mệnh”, học thuyết Mác – Lênin đã được Người đưa vào Việt Nam với một cách rất giản dị, dễ hiểu, làm cho lý luận thâm nhập sâu vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước; làm thay đổi tính chất, chiều hướng của phong trào đấu tranh yêu nước, từ tự phát, đơn lẻ, sang đấu tranh tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo,… tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy sự ra đời của một chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân.
 
Trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1946 – 1969), mặc dù bộn bề công việc, song Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp “trồng người”. Người cho rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay của Chính quyền cách mạng lúc bấy giờ là “diệt giặc dốt” – mở lớp bình dân học vụ. Người kêu gọi toàn dân học chữ quốc ngữ, với tinh thần “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ,… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo… Phụ nữ lại càng cần phải học”1. Nhân ngày khai giảng năm học mới đầu tiên của nước Việt Nam mới, Người đã viết thư căn dặn học sinh: Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gửi thư động viên học sinh chăm ngoan, học giỏi mà còn gửi gắm nền giáo dục nước nhà tới các giáo viên. Người chỉ rõ: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo mẫu mực, là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức cho học sinh học tập. Trong bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên, tháng 8/1959, Người chỉ rõ: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn”2, “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”3. Ngày 21/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali Môđibô Câyta đến thăm Trường đại học Sư phạm Hà Nội, nói chuyện với các thầy, cô giáo Người huấn thị: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”4. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết; “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Điều đó thể hiện: Con người là tất cả và sự nghiệp trồng người là sự nghiệp cao cả nhất, đầy khó khăn nhất, là sự nghiệp chung, hàng đầu của dân tộc ta khi nước nhà thống nhất.
 
Thấm nhuần tư tưởng, tấm gương mẫu mực về giáo dục của Người, những năm tiếp theo, cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đội ngũ nhà giáo các cấp đã, đang và sẽ tiếp tục đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
 
Một là, giáo dục tầm quan trọng đối với việc học; khơi dậy truyền thống, lòng tự hào dân tộc; đạo đức, nhân cách cho học viên. Ngay từ những ngày đầu làm thầy giáo tại Trường Dục Thanh, một trong những vấn đề mà Nguyễn Tất Thành quan tâm là giáo dục cho học trò hiểu rõ tầm quan trọng đối với việc học. Bởi vậy, thường cuối mỗi bài giảng, Thầy luôn ân cần căn dặn học trò: Chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù. Không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả và mãi mãi sẽ là vật sai khiến, vật hi sinh của bọn thống trị. Cho nên các trò phải học, học chữ để nên người, để giúp dân cứu nước. Cùng với giáo dục tầm quan trọng đối với việc học là khơi dậy truyền thống, lòng tự hào dân tộc và đạo đức, nhân cách cho người học. Thấm nhuần tư tưởng đó, ngành giáo dục đã tập trung quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”5. Theo đó, đội ngũ giáo viên các cấp chú trọng giáo dục về vị trí, tầm quan trọng của việc học, làm cho người học nhận thức đầy đủ vai trò của giáo dục không chỉ đơn thuần là truyền đạt tri thức, mà còn rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, hình thành và phát triển nhân cách cho người học. Đồng thời, giáo dục cần hướng tới khơi dậy truyền thống, lòng tự hào dân tộc, xây dựng cho người học niềm tin vững chắc vào chế độ xã hội chủ nghĩa, con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên, đội ngũ nhà giáo các cấp phải hiểu sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với việc học; truyền thống cách mạng của dân tộc; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật; không ngừng nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong giáo dục.
 
Hai là, nêu cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy. Theo Bác: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá”6. Nhận thức rõ trọng trách cao cả này, từng nhà giáo đã chủ động, tích cực, hăng hái trong công việc, nhiệm vụ được giao; tiết kiệm thời gian, khai thác triệt để tính năng ưu việt của cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật để làm việc đạt hiệu quả cao nhất. Không chỉ dừng lại ở việc thực hành giảng dạy tốt, mà mỗi nhà giáo còn nêu cao tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu để không ngừng nâng cao kiến thức; thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời cập nhật những thông tin thời sự vào bài giảng. Đồng thời, áp dụng có hiệu quả phương tiện kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông tin vào việc thiết kế giáo án, nhất là công cụ soạn thảo E – Learning trên nền tảng web và tiện ích Microsoft Powerpoint; sử dụng E – Learning và Microsoft Powerpoint để thiết kế bài giảng, cho phép giảng viên có thể phát triển tối đa khả năng sáng tạo trong xây dựng bài, thông qua các công cụ hỗ trợ kỹ thuật đồ họa, mô phỏng, kỹ thuật video, audio,… làm cho bài giảng sẽ trở nên sống động, đạt kết quả cao hơn.
 
Ba là, vận dụng phương pháp dạy học tiến bộ, chú trọng phương pháp kết hợp lý thuyết với thực tiễn. Thấu triệt quan điểm của Đảng: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn7, đội ngũ giáo viên luôn đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng: “lấy người học làm trung tâm”, phát huy tối đa tính sáng tạo, tính tích cực của người học, gắn lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm chính; tích cực bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng hoạt động thực tiễn và phương pháp tư duy sáng tạo, độc lập của người học. Nổi bật là các phương pháp dạy học chủ yếu sau: (1). Phương pháp dạy học tình huống. Đây là phương pháp dạy học hiện đại, thông qua tình huống người học sẽ được tham gia trực tiếp vào hoạt động tìm kiếm giải pháp giải quyết tình huống thực tiễn, qua đó sẽ hình thành năng lực hợp tác, năng lực xử lý tình huống. Khi vận dụng phương pháp dạy học tình huống giảng viên là người tổ chức, điều khiển, học viên tham gia hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm trực tiếp giải quyết tình huống. (2). Phương pháp dạy học thực hành theo hướng gắn liền với chức trách, nhiệm vụ của người học. Đây là con đường cơ bản nhằm phát triển năng lực hành động cho học viên. Thông qua đổi mới nội dung, cách thức thực hiện bài tập thực hành theo hướng gắn liền với chức trách nhiệm vụ, không chỉ giúp học viên có điều kiện củng cố, mở rộng hệ thống tri thức, phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành những kỹ năng nghề nghiệp cơ bản, mà còn giúp họ có điều kiện vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết các tình huống sát với chức trách nhiệm vụ sau khi ra trường. Gắn liền với đó, phát huy tốt vai trò tự học, tự nghiên cứu của người học, từng bước biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào thực hiện các hoạt động thực tiễn gắn với chuyên ngành đào tạo của học viên. 
 
Đã hơn 53 năm qua đi kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ biệt chúng ta, song tư tưởng, tấm gương người Thầy vĩ đại vẫn không hề phai nhòa trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, vẫn luôn trường tồn với năm tháng, soi sáng cho thế hệ nhà giáo chân chính tiếp tục cống hiến xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”./.
_________________
 
1 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 40 – 41.
2 – Sđd, Tập 12, tr. 269.
3 – Sđd, tr. 270.
4 – Sđd, Tập 14, tr. 403.
5 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG, H. 2021, tr.136.
6 – Hồ Chí Minh – Toàn tập,  Tập 10, Nxb CTQG H, 2011, tr. 345.
7 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQG, H. 2021, tr.237.
 
Đại tá, ThS. NGUYỄN ĐỨC BIỀN và Thượng tá, TS. NGUYỄN HỮU TUẤN, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Theo: http://tapchiqptd.vn
Theo nguồn: hochiminh.vn

Bài viết cùng chủ đề: