Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – giá trị hiện thực không thể phủ nhận

26/12/2022
793 lượt xem
Thực hiện mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch tiến hành mọi thủ đoạn nhằm xuyên tạc, phủ nhận, hạ thấp vai trò và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề vừa cấp bách trước mắt, vừa thường xuyên, cơ bản, lâu dài.
 
Bo Sung Phat Trien Hoan Thien Chu Nghia Mac Lenin Tu Tuong Ho Chi Minh Trong Dieu Kien Moi
Ảnh minh họa.

Vào những năm 40 của thế kỷ XIX, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở các nước Tây Âu đã phát triển mạnh mẽ trên nền tảng của Cuộc cách mạng công nghiệp được thực hiện trước tiên ở nước Anh (vào cuối thế kỷ XVIII), đánh dấu bước chuyển biến từ nền sản xuất thủ công tư bản chủ nghĩa sang nền sản xuất đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa, làm thay đổi sâu sắc cục diện xã hội, trước hết là sự hình thành và phát triển của giai cấp vô sản – một lực lượng chính trị độc lập, tiên phong trong cuộc đấu tranh cho nền dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội. Cuộc đấu tranh đó đã đặt ra yêu cầu khách quan: phải có lý luận dẫn đường. Và, chủ nghĩa Mác ra đời để đáp ứng yêu cầu khách quan đó; đồng thời, chính thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản đã trở thành tiền đề thực tiễn cho sự khái quát và không ngừng bổ sung, hoàn chỉnh lý luận của chủ nghĩa Mác.

Gần hai thế kỷ kể từ khi C. Mác và Ph. Ăngghen đặt nền móng đầu tiên tại nước Đức, được V.I. Lênin kế tục và phát triển tại nước Nga, điều đó càng khẳng định tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin. Bởi, nó không những chỉ ra bản chất bóc lột, phơi bày bản chất sâu xa, những mâu thuẫn cố hữu nhất tồn tại trong lòng chế độ tư bản – nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản, mà còn dự báo chính xác xu hướng vận động của các hình thái kinh tế – xã hội để đi đến khẳng định tương lai của nhân loại là chế độ cộng sản chủ nghĩa. Đồng thời, vạch ra cho giai cấp vô sản phương pháp cách mạng để giải phóng giai cấp, đưa xã hội loài người tiến lên.

Ở Việt Nam, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp đều bị thất bại vì không có đường lối phù hợp. Điều đó đặt ra yêu cầu khách quan, cấp thiết là phải khắc phục sự khủng hoảng về đường lối cứu nước. Từ thực tiễn đó, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam; trong đó, tập trung trước hết vào việc thành lập một chính đảng để lãnh đạo cách mạng. Và ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời, đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam. Xuất phát từ điều kiện đặc thù của xã hội Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã giải quyết sáng tạo và thành công mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, xóa bỏ chế độ phong kiến, thực dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc. Thành tựu phát triển toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong thời kỳ đổi mới đã được Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay1. Điều đó khẳng định tầm vóc, ý nghĩa, giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, nhằm thực hiện mưu đồ thay đổi đường hướng chính trị ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động ra sức tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng trên mọi phương diện, bằng mọi biện pháp, hòng phủ nhận giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin trong giai đoạn hiện nay; làm phai nhạt niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với mục đích cuối cùng là xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi đời sống chính trị – tinh thần của giai cấp công nhân và nhân dân lao động tiến bộ trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng bằng các luận điệu xuyên tạc, công kích, chống phá rất đa dạng:

Về tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Các thế lực thù địch sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để phủ nhận, xuyên tạc. Trước hết, họ phủ nhận tài năng kiệt xuất của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin; đồng thời, cho rằng: C. Mác và V.I. Lênin là những nhà xã hội duy tâm, siêu hình và không tưởng; học thuyết Mác chỉ là sự sao chép sống sượng chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp, kinh tế chính trị học tư sản cổ điển Anh và triết học cổ điển Đức; là sản phẩm lai tạo hỗn hợp mang tính chủ quan, áp đặt được tua lại nhiều lần. Đây là sự xuyên tạc vô căn cứ và có chủ đích của các thế lực thù địch. Cần thấy rằng, tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin được đúc rút, khái quát nhờ tài năng kiệt xuất của cả C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin trong thực tiễn hoạt động chính trị sôi động của các ông. Nhờ đó mà các ông đã  tạo ra bước ngoặt cách mạng trong lý luận, xác lập một thế giới quan, phương pháp luận khoa học trong xem xét và cải tạo hiện thực, từ đó xây dựng nên Học thuyết của mình. Nhìn vào thực tiễn lịch sử, nếu không có những bộ óc vĩ đại, với một thế giới quan khoa học, cách mạng thì không thể đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử.

Đối với những quan điểm, nguyên lý có tính chất nền tảng, là những phát kiến vĩ đại của chủ nghĩa Mác – Lênin, họ tập trung xuyên tạc hòng hạ thấp, phủ nhận các nội dung: học thuyết hình thái kinh tế – xã hội; học thuyết giá trị thặng dư; học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Họ còn phê phán quan điểm của C.Mác về luận điểm đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội; cho rằng: những luận điểm này làm nghèo đi những hình thức tiến hóa của xã hội, khuyến khích hận thù, cổ vũ cho chiến tranh, độc quyền, độc đoán, mâu thuẫn, đấu tranh giai cấp liên miên không phù hợp với xu thế của thời đại, do đó không thể thúc đẩy xã hội phát triển, v.v. Các thế lực thù địch, phản động không chỉ tìm cách phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin về mặt lý luận mà dựa vào sự sụp đổ của mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu (trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ XX), họ rêu rao: đó là do sự sai lầm của chủ nghĩa Mác – Lênin, cho nên đó là sự sụp đổ đã báo trước. Đây là thể hiện của nhận thức phiến diện, thiếu khách quan và khoa học trước sự vận động và phát triển của các mô hình xã hội. Nói về sự sụp đổ, tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, chúng ta coi đó là một tổn thất to lớn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhưng không phải là tất yếu và càng không phải là sai lầm của học thuyết Mác. Nguyên nhân chính, trực tiếp, có tính quyết định dẫn đến sự tan rã đó là do những sai lầm trong đường lối chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ của Đảng Cộng sản cầm quyền, cùng sự phản bội của một số lãnh đạo cao nhất ở đó đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đúng như V.I. Lênin đã khẳng định: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”2. Do đó, đây chỉ là sự sụp đổ một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể, không đồng nghĩa với “sự cáo chung của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” như xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao.

Về vai trò của chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam, họ dựa vào bối cảnh thời gian, không gian ra đời của chủ nghĩa Mác – Lênin để phủ nhậnxuyên tạc với luận điệu: chủ nghĩa Mác – Lênin không nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn đầy đủ, nó chỉ phù hợp với các nước châu Âu; trong khi đó, ở châu Á có sự phát triển kinh tế khác, có trình độ văn hóa, cùng phong tục, tập quán khác các nước châu Âu. Do vậy, chủ nghĩa Mác – Lênin đối với Việt Nam chỉ là tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống, văn hóa dân tộc, việc vận dụng vào Việt Nam là khiên cưỡng. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ ra những quy luật vận động chung của lịch sử loài người và các ông cũng đều nhấn mạnh việc vận dụng những quy luật chung ấy vào điều kiện cụ thể của mỗi nước cũng phải có những cải biến trong những vấn đề chi tiết cho phù hợp với đặc điểm của quốc gia, dân tộc. Bản thân các ông cũng không hề coi lý luận của mình là tối cao, tuyệt đỉnh, mà cần phải có sự bổ sung, phát triển, cụ thể hóa vào từng điều kiện lịch sử cụ thể: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”3. Còn theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: trong quá trình vận dụng những quy luật chung, những nguyên lý chung của chủ nghĩa Mác – Lênin, của chủ nghĩa cộng sản, phải chú ý đến đặc thù của dân tộc mình. Người khẳng định: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”4. Do đó, việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn.

Về vai trò và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin, các thế lực thù địch cho rằng: chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời vào thế kỷ XIX trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (động cơ hơi nước), nền sản xuất dựa trên máy móc cơ khí nên chỉ hợp với thời điểm đó, cùng lắm là thế kỷ XX, còn hiện nay loài người đã chuyển mình sang Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức, kinh tế số, toàn cầu hóa, tin học hóa, thời đại “hậu công nghiệp”, kinh tế – xã hội có rất nhiều đổi thay, vì vậy hiện nay chủ nghĩa Mác – Lênin không còn phù hợp. Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thống tri thức thuộc ngành khoa học xã hội, khoa học nhân văn. Vì thế, nó mang đặc trưng tích lũy, kế thừa, chứ không mang đặc trưng thay thế như những tri thức thuộc ngành khoa học – kỹ thuật và công nghệ. Hơn nữa, sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất và khoa học, công nghệ hiện đại ngày nay vốn không thể xóa bỏ được những mâu thuẫn cố hữu của chủ nghĩa tư bản là “bóc lột”; ngược lại, nó làm cho những mâu thuẫn đó càng thêm sâu sắc. Điều này được biểu hiện cụ thể trong xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại, như: mâu thuẫn giữa tư bản và người lao động vẫn tồn tại và gia tăng, khoảng cách giàu – nghèo mở rộng, phân phối của cải không công bằng, nạn thất nghiệp tăng lên, dẫn đến nhiều vấn đề xã hội trở nên trầm trọng, v.v. Điều đó càng chứng tỏ thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin là đúng đắn và có ý nghĩa thời đại như thực tiễn đã và đang minh chứng: Cải cách chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc (từ năm 1978), đổi mới ở Việt Nam (từ năm 1986) và các quá trình tương tự ở các nước xã hội chủ nghĩa khác được triển khai với các nguyên tắc đúng đắn; vừa toàn diện, đồng bộ; vừa có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, giải pháp phù hợp; vừa kiên định và sáng tạo, kế thừa và phát triển, gắn lý luận với thực tiễn, gắn quốc gia với thế giới. Nhờ vậy, Trung Quốc đã trở thành cường quốc có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; Cuba hiên ngang trước bao vây cấm vận, kiên định xây dựng quốc gia xã hội chủ nghĩa độc lập, có chủ quyền, dân chủ, thịnh vượng và bền vững; các nước xã hội chủ nghĩa khác đều có nhiều thành công trong xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội. Đây thật sự là một quá trình cải cách, đổi mới thành công cả về tư duy lý luận, nhận thức, tầm nhìn và thực tiễn, chủ trương, chính sách, khẳng định xung lực của chủ nghĩa xã hội trước mọi sóng cồn, gió cả của thời cuộc.

Đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch, phản động sử dụng thủ đoạn tấn công trên nhiều phương diện. Họ xuyên tạc rằng, Hồ Chí Minh không có tư tưởng riêng, mà chỉ là ảo tưởng do Đảng Cộng sản nghĩ ra. Hơn thế, họ còn đưa ra luận điệu: tư tưởng Hồ Chí Minh không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay và cho rằng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến đấu tranh dân tộc, theo chủ nghĩa dân tộc nên chỉ có giá trị trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc chứ không có giá trị đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đây là sự xuyên tạc vô căn cứ, bởi tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện lịch sử của Việt Nam, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác – Lênin với giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Chủ nghĩa Mác – Lênin trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chuyển hóa thành hệ thống thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan khoa học, cách mạng, sinh động, giàu tính thực tiễn, có giá trị dẫn đường cho thành công của cách mạng Việt Nam.

Thực hiện mưu đồ phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động tiến hành thủ đoạn vô cùng nham hiểm, đó là tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin. Đây là một thủ đoạn rất tinh vi, thâm độc, nhằm làm đứt gãy từng bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ biện luận rằng: chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ phù hợp với phương Tây, còn tư tưởng Hồ Chí Minh mới phù hợp với Việt Nam. Điển hình là việc Hồ Chí Minh không bao giờ “bê nguyên xi” chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, mà đều có sự thay đổi. Do đó, các thế lực thù địch ra sức kêu gọi “chỉ cần theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bỏ qua chủ nghĩa Mác – Lênin” hay “chỉ cần chủ nghĩa Mác – Lênin là đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam”. Họ còn cho rằng: “chủ nghĩa Mác – Lênin là chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan, thiên về đấu tranh giai cấp, đối lập với tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng đề cao đoàn kết và thống nhất; Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không theo chủ nghĩa cộng sản, chỉ nhấn mạnh đến đoàn kết chứ không nhấn mạnh đến đấu tranh”. Việc tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin là cơ sở để các thế lực thù địch, phản động tiến thêm một bước nữa đòi lấy tư tưởng Hồ Chí Minh thay thế cho chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam. Từ đó, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam và cũng gián tiếp phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định rằng: tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác – Lênin ở bản chất khoa học và cách mạng, ở lý tưởng và mục tiêu nhân văn vì con người, vì giải phóng giai cấp, dân tộc và nhân loại. Về bản chất, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác – Lênin chứ không hề có sự khác biệt, đối trọng nhau như những luận điệu của thế lực thù địch rêu rao. Có được điều đó là do chính Hồ Chí Minh đã tìm đến chủ nghĩa Mác – Lênin, nghiên cứu, kế thừa, phát triển lên tầm cao mới, vận dụng phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Giá trị và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với nhân loại nói chung và sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói riêng là không thể phủ nhận. Do vậy, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu, nhiệm vụ tất yếu khách quan, đòi hỏi phải kết hợp giữa kiên định và phát triển; trung thành và vận dụng sáng tạo; giữa lý luận và thực tiễn; giữa tổng kết với bổ sung, phát triển; giữa bảo vệ và đấu tranh, làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin luôn và mãi là nền tảng tư tưởng vững chắc của các đảng cộng sản cầm quyền, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.

____________

1 – ĐCSVN  Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 25

2 – V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 42, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 310.

3 – Sđd, Tập 4, tr. 232.

4 – Hồ Chí Minh  Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 509 – 510.

 

Bài viết cùng chủ đề: