Vai trò Doanh nghiệp trong Hoạt động Giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề

28/12/2020
708 lượt xem

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP GẮN KẾT GIỮA DẠY NGHỀ VỚI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP TẠI TRƯỜNG KTCN HÙNG VƯƠNG

Đã đến lúc doanh nghiệp cần chú trọng thực hiện đào tạo cùng với nhà trường. Một khi “sản phẩm” đào tạo có trách nhiệm của doanh nghiệp thì chính người sử dụng sẽ không còn có chuyện… thở than vì chất lượng nguồn nhân lực đã có quá trình gắn với thực tiễn sản xuất.

Vấn đề cốt lõi hiện nay chính là làm thế nào để việc hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp được thực sự hiệu quả!

  1. Thực tế đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp

Doanh nghiệp bỏ công tham gia đào tạo cùng nhà trường ngay từ đầu sẽ không phải mất công đào tạo lại sau khi tuyển dụng. Thực tế, chính doanh nghiệp cũng nhận được nhiều lợi thế khác khi tham gia đào tạo với nhà trường, điển hình nhất là việc chủ động tuyển chọn nguồn nhân lực.

Hiện trường TCN – KTCN Hùng Vương đã hợp tác đào tạo với Công ty Bia Sài Gòn, Công ty CP Sữa Việt Nam, Công ty CP Nhựa Rạng Đông, Công ty Văn Hoa Việt, Công ty Cơ khí Hàng hải PTSC, Công ty Pepsico, Hãng tự động hoá Siemens…, v.v… Thực tiễn đào tạo trên cho thấy:

Nhà trường được:

  • Doanh nghiệp cung cấp nhu cầu tuyển dụng nhân lực từ ngắn hạn đến dài hạn, kèm theo những yêu cầu cụ thể về chất lượng.
  • Góp ý kiến xây dựng các chương trình đào tạo nhằm hướng đến tính thực tiễn, hiện đại và cập nhật những công nghệ mới nhất mà doanh nghiệp có.
  • Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đến tham quan, thực tập, thực tế tại doanh nghiệp. Đồng thời, có ý kiến đánh giá chất lượng học sinh, sinh viên định kỳ giúp trường kịp thời điều chỉnh chương trình đào tạo, phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu.
  • Tạo điều kiện cho giáo viên được tham quan học tập kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, tiếp cận với những công nghệ mới và hiện đại nhất của doanh nghiệp để cập nhật kiến thức phục vụ giảng dạy.
  • Hỗ trợ nhà trường các xưởng thực hành, máy móc thiết bị đã qua sử dụng để phục vụ thực hành của học sinh, sinh viên. Tham gia giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm thực tế với sinh viên và cán bộ, giảng viên  nhà trường.

Doanh nghiệp được:       

  • Tạo điều kiện mở rộng, quảng bá thương hiệu và đăng các tin tuyển dụng miễn phí tại trường. Cung cấp nguồn nhân lực (bao gồm số lượng học sinh, sinh viên các ngành nghề, bậc, hệ đào tạo).
  • Trường đáp ứng việc nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo, mở các ngành nghề theo đúng với nhu cầu của doanh nghiệp. Khâu này có thể được thực hiện thông qua kênh khảo sát, hội thảo chuyên đề được tổ chức hàng năm tại trường.
  • Trang bị cho học sinh, sinh viên những mảng kiến thức và kỹ năng mà chính doanh nghiệp đòi hỏi ở các em khi ra trường, đảm bảo sinh viên có thể “vào việc” ngay.
  • Trường tổ chức đào tạo theo địa chỉ, tức đơn đặt hàng của doanh nghiệp, theo đó, sẽ bám sát được số lượng lẫn yêu cầu chất lượng chính doanh nghiệp đặt ra.

Tóm lại, hoạt động liên kết đào tạo có thể mô tả chung như sau: Nhà trường đào tạo các kiến thức cơ bản. Doanh nghiệp đảm trách phần tổ chức thực hành, thực tế tại đơn vị sản xuất và xác nhận chất lượng, thời gian đào tạo thực tiễn của học sinh, sinh viên. Xác nhận của doanh nghiệp được công nhận thay thế cho một học phần thực hành của nhà trường.

  1. Các mô hình hợp tác đào tạo nổi bật:

2.1 Mô hình “đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp”

Các nước tiên tiến trên thế giới như Đức, Hà Lan, Đan Mạch… đã thực hiện chương trình đào tạo “Hệ thống kép/Dual System”, chú trọng sự kết hợp chặt chẽ giữa Trường dạy nghề với doanh nghiệp.

Tại trường, phương pháp này đang được áp dụng tương đối thành công, điển hình nhất là đối với hai nghề Cơ điện tử (nghề trọng điểm Quốc tế) và Cắt gọt kim loại (trọng điểm Quốc gia).

Cụ thể, Khoa Cơ điện tử Hùng Vương đã lựa chọn 2 hình thức đào tạo nghề (trong mô hình đào tạo kép) nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực Cơ điện tử/Tự động hoá/ Kỹ thuật công nghệ cao, đó là: (1) đào tạo bổ sung kỹ năng nghề, kiến thức nghề cho người lao động; (2) đào tạo mới bổ sung nguồn nhân lực.

Với điểm nhấn là các chuyên đề kỹ thuật cao như: Lập trình PLC S7-200/300/1200/1500 của Siemens; Lập trình PLC Mitsubishi; Schneider; Omron; Bảo trì điện tòa nhà thông minh; Thiết kế hệ thống Scada và mạng truyền thông công nghiệp…, sau 2 năm (từ 2015 đến nay), số lượt học viên theo học các khoá chuyên đề kỹ thuật cao tại Khoa ngày càng tăng trung bình mỗi năm có 350 học viên theo học.

Khoa Cơ điện tử đã có nhiều mối quan hệ khăng khít đối với nhiều doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực có liên quan tới Cơ điện tử/Tự động hoá như: Công ty Thép Miền Nam, Công ty Bia Sài Gòn, Công ty CP Sữa Việt Nam, Công ty Tân Quang Minh, Công ty CP Nhựa Rạng Đông, Công ty Cơ khí Hàng hải PTSC, Công ty Pepsico, Hãng tự động hoá Siemens…

Ngoài ra, Khoa cũng tổ chức việc tư vấn hướng nghiệp cho những sinh viên theo học tại Khoa, giới thiệu các công ty phù hợp với năng lực của học viên. Đồng thời, tư vấn kỹ thuật cho những học viên khi học thành lập doanh nghiệp hoặc cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực Cơ điện tử/Tự động hoá…

2.2 Mô hình “mang sản phẩm đến tận tay doanh nghiệp”

Hiện hầu hết học sinh khi học nghề tại bất cứ cơ sở nào đều có nhu cầu việc làm phù hợp. Trong khi đó, các nhà tuyển dụng lại mong muốn tìm được nguồn nhân lực “lành nghề”, đạt trình độ cao, hội đủ các kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Thực tế, chúng tôi nhận thấy các nhà tuyển dụng có xu hướng “săn” những ứng viên dù mới ra trường miễn có tiềm năng và đã được trang bị các kỹ năng nghề cơ bản. Trên cơ sở đó, trường đã chủ động liên hệ, liên kết với một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật trên địa bàn TP.HCM nhằm giới thiệu chương trình đào tạo, “chuẩn đầu ra” của học sinh, sinh viên. Mục đích chính của hoạt động này là “mang sản phẩm” đến tận tay doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng trong năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng và bản ghi nhớ với Nhà trường  trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp như: Công ty XKLĐ Fimexco, Công ty XKLĐ Mirai Human, Công ty Nhân lực quốc tế V&J, Công ty Văn Hoa Việt, Công ty CP Vận tải và TM Vitranimex, Công ty CP Vận tải Covato2, Công ty Zenco Sài Gòn, Trung tâm Viễn thông Chợ Lớn, Trung tâm Viễn thông Tân Bình, Công ty CP Nước giải khát Chương Dương, …

Có thể thấy, kết quả đạt được trong giai đoạn 2015 – 2017 như sau:

  Năm 2015 Năm 2016 9 tháng 2017
Số lượng học viên 687 873 675

 

  1. Kinh nghiệm và đề xuất nhằm “thắt chặt” quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp:

3.1 Phát huy thế mạnh đào tạo kép “Dual Sytem”

  • Ứng dụng phương pháp này trong bối cảnh hợp tác chặt chẽ đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp thì học sinh sau khi hoàn thành một phần/toàn phần kỹ năng nghề nghiệp (tại trường) sẽ tiếp tục có quá trình làm việc cọ xát thực tế tại các doanh nghiệp. Kế đó, các em lại quay về trường để hoàn tất chứng nhận kết quả học tập. Cũng với cách này, người học có thể từng bước tham gia vào thực tế sản xuất, xóa bõ bỡ ngỡ không đáng có sau khi tốt nghiệp.
  • Đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp hỗ trợ chi phí đào tạo cho người học và đảm bảo việc làm cho người học sau khi hoàn tất khóa học, người lao động ký cam kết làm việc cho doanh nghiệp, nhà trường đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với doanh nghiệp. Hình thức này được áp dụng ở một số nghề “khát” lao động như tự động hóa, cơ khí, cắt may,….
  • Ở một số nước, khi doanh nghiệp “chung tay” vào quá trình đào tạo, nhà nước có chính sách hỗ trợ dưới hình thức khấu trừ một phần thuế cho chính doanh nghiệp trên.

3.2 Đa dạng nguồn việc cho người học sau tốt nghiệp

  • Cần hình thành và phát triển Trung tâm tư vấn và cung ứng lao động tại từng địa phương mà tại đó tất cả các thông tin tuyển dụng lao động chính thức sẽ được công bố rõ ràng, chính xác để người lao động lẫn các trường dạy nghề có thể tham khảo. Đây cũng sẽ là cơ sở quan trọng để các trường dạy nghề có chiến lược và phối hợp đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu xã hội, tránh đào tạo thừa, gây lãng phí.
  • Bên cạnh đó, cần có nhiều hội thảo, hướng nghiệp để giúp doanh nghiệp – nhà trường – người lao động có cơ hội cùng “ngồi lại” lắng nghe, chia sẻ nhằm tìm ra hướng đào tạo nghề chung, thiết thực.

3.3 Chia sẻ các nguồn lực, tài liệu, kiến thức

  • Việc tạo được lòng tin và “giữ chân” doanh nghiệp lâu dài trong hợp tác đào tạo còn nằm ở việc nhà trường biết chia sẻ các nguồn lực, mời chuyên gia cho doanh nghiệp khi họ có nhu cầu, cung cấp tài liệu để họ bổ trợ kỹ năng, kiến thức.
  • Và hẳn nhiên, một yêu cầu không thể thiếu khi nhà trường muốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chính là việc chú trọng đầu tư vào lực lượng nội tại. Khi giảng viên giỏi, chịu khó học hỏi, nghiên cứu sâu xu hướng tiến bộ của bộ môn đảm nhiệm thì sẽ tạo ra được những sinh viên chắc lý thuyết, vững thực hành.

 

Bài viết cùng chủ đề: