VAI TRÒ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TRONG HƯỚNG NGHIỆP VÀ HỌC NGHỀ

28/12/2020
905 lượt xem

VAI TRÒ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

TRONG HOẠT ĐỘNG HƯỚNG NGHIỆP HỌC NGHỀ

 

  1. Đặt vấn đề:

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực ngày càng thể hiện vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã quyết tâm: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”; “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược,…Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội; có cơ chế và chính sách thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt đối với người bị thu hồi đất”.[1].

Chiến lược phát triển Dạy nghề cụ thể hóa và là bộ phận hữu cơ của Chiến lược phát triển nhân lực, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Trọng tâm của Chiến lược phát triển dạy nghề là gia tang số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội [2].

Có thể thấy giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người – yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy: Nguồn nhân lực được đào tạo sẽ là sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên có khoảng 70% thanh niên Việt Nam trong độ tuổi 18 – 23 bước vào thị trường lao động mà chưa được đào tạo. Lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất thấp (gần 30% trong độ tuổi từ 18 đến 23); cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo, cơ cấu nhân lực và cơ cấu vùng mất cân đối nghiêm trọng, chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn sản xuất, những thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ và thị trường lao động.

Về cơ cấu trình độ, Hiện nay, ở Việt Nam đang có tỷ lệ: 1 đại học chỉ có 0,9 trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Kinh nghiệm của một số nước cho thấy với các giai đoạn tiến bộ kỹ thuật và công nghệ khác nhau sẽ có cơ cấu lao động qua đào tạo tương ứng. Trình độ kỹ thuật Việt Nam hiện nay đang ở trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước, theo đó tương ứng với tỷ lệ CĐ-ĐH/THCN/TCN-CĐN khoảng1/4/20. Do đó, tỉ lệ cơ cấu trình độ hiện nay đã đi ngược lại xu thế tất yếu trong bài toán nhân lực. Do vậy cơ cấu nhân lực bị mất cân đối nghiêm trọng[3]. Vì thế nên việc phân luồng hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học TCN và CĐN hiện nay rất cần thiết và cấp bách. Đặc biệt là hệ thống chính sách vĩ mô và vai trò của chính quyền địa phương trong việc thực hiện phân luồng trong đào tạo nghề.


  1. Thực trạng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT vào TCN-CĐN và THCN-CĐCN:

    • Căn cứ pháp lý:
  • Luật Giáo dụ Việt Nam: Điều 27 “Giáo dục THPT giúp học sinh hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp…”; Điều 28 “Nội dung giáo dục phố thông đảm bảo tính phổ thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống…”
  • Quyết định 126/CP ngày 19/03/1981 qui định mục đích nhiệm vụ của công tác hướng nghiệp và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương đối với ngành giáo dục thực hiện.
  • Thông tư 31/TT/BGDĐT ngày 17/11/1981 về hướng dẫn thực hiện công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông và sử dụng hợp lý học sinh phố thông tốt nghiệp, trong đó có qui định về 4 hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông (qua môn học, lao động sản xuất, giới thiệu các ngành nghề, hoạt động ngoại khóa).
    • Bối cảnh chung:

Việc phân luồng học sinh từ nửa cuối của giai đoạn Giáo dục phổ thông đã được thực hiện ở hầu hết các nước trên thế giới. Tuỳ theo chủ trương giáo dục và năng lực hệ thống đào tạo của từng nước mà sự phân luồng được thực hiện từ những nấc thang khác nhau ở đầu hoặc giữa bậc Trung học: ở Đức và Trung Quốc bắt đầu phân luồng từ lớp 6, ở Pháp phân luồng từ sau lớp 7, ở Anh phân luồng từ sau lớp 10…

Ở nước ta, phân luồng học sinh được thực hiện từ sau lớp 9 (hết Trung học cơ sở) nên còn gọi là “phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở”. Chủ trương này được Nhà nước ta chỉ đạo từ khá sớm và thu được nhiều kết quả như: đã xây dựng được hệ thống giáo dục – đào tạo gồm nhiều ngành học, cấp học, bậc học và thu hút đào tạo học sinh từ các trình độ khác nhau… Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, việc thực hiện kế hoạch, lộ trình “phân luồng” vẫn đang gặp không ít khó khăn, cần được cả xã hội quan tâm nhiều hơn nữa.

Việc “phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở” được định hướng vào bốn luồng chính là:

  • Học tiếp lên Trung học phổ thông (dành cho một số học sinh có năng lực tốt, có thiên hướng nghiên cứu chuyên môn cao và có nguyện vọng học lên Đại học, Cao đẳng );
  • Học lên Trung cấp chuyên nghiệp hoặc Trung cấp – Cao đẳng nghề (dành cho số học sinh có năng lực trung bình khá và có thiên hướng kỹ thuật, thực hành);
  • Vừa làm vừa học tiếp Trung học phổ thông theo chương trình Giáo dục thường xuyên (trước đây gọi là Bổ túc Trung học phổ thông);
  • Trực tiếp đi làm kiếm sống (có thể học qua các chương trình Sơ cấp hoặc sẽ học tiếp lên cao hơn, sau một số năm lao động). Tồn tại lớn nhất của việc phân luồng hiện nay ở nước ta là luồng học lên Trung học phổ thông hiện còn chiếm quá lớn, trong khi đó luồng học lên Trung cấp chuyên nghiệp hoặc Trung cấp – Cao đẳng nghề còn quá nhỏ [4] .Tỷ lệ này ở nước ta hiện không giống (thậm chí trái ngược) so với ở các nước phát triển trên thế giới. Đặc biệt, hiện nay vấn đề phân luồng chỉ đề cập đến hệ Trung cấp chuyên nghiệp, còn hệ Trung cấp – Cao đẳng nghề mới bắt đầu (hay dừng lại) ở giai đoạn hướng nghiệp. Do đó để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 thì ngành dạy nghề cần kiến tạo những chính sách; Quy định; Quy chế trong việc phân luồng cho học sinh THCS, THPT vào học Trung cấp – Cao đẳng nghề trong thời gian tới.
    • Thực trạng phân luồng (đối với hệ TCCN), hướng nghiệp (đối với TC-CĐN) tại Tp.HCM trong thời gian qua:
Trong những năm qua, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh phân luồng hướng nghiệp học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS). Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng đồng tình chọn trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cho con bởi tư tưởng “trọng thầy khinh thợ” còn ăn sâu vào nhận thức của nhiều người.
Nhằm đẩy mạnh phân luồng hướng nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS, từ năm 2009 đến nay, hang năm Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức ngày hội “Thanh niên với nghề nghiệp” thu hút hơn 40 nghìn thanh niên, HS, đặc biệt là học sinh THCS tham gia để tìm hiểu về các trường TCCN. Bên cạnh đó, nhiều trường THCS thường xuyên đưa HS đến các trường TCCN để tham quan, tìm hiểu ngành, nghề đào tạo và ngược lại các trường TCCN cũng thường xuyên đến từng trường phổ thông để giới thiệu về từng ngành, nghề.

Nhiều quận, huyện trong địa bàn thành phố đã thực hiện có hiệu quả với nhiều phương thức phù hợp như quận 6 thực hiện xã hội hóa phân luồng, Phòng Giáo dục quận Tân Phú chủ động xây dựng “Ðề án phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT” và lập kế hoạch dựa trên tình hình thực tế của quận…”.

Ngoài ra, việc mở rộng mạng lưới trường TCCN để đáp ứng nhu cầu học tập cho HS là điều không thể thiếu. Hiện nay, mạng lưới trường này trực thuộc thành phố tăng gấp ba lần so với năm 2000, cụ thể tổng số trường, cơ sở đào tạo TCCN có 65 trường. Cùng với hệ thống trường chuyên nghiệp này, thành phố còn có nhiều trường dạy nghề từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng nghề do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (390 cơ sở) cùng các Bộ, ngành quản lý…Với những nỗ lực này, số lượng HS sau khi tốt nghiệp THCS thi vào TCCN tăng lên đáng kể. Năm học 2009-2010, thành phố có 5.112 HS vào TCCN thì năm 2010-2011 có 6.010 HS, năm 2011-2012 có 8.301 HS.

Mặc dù thành phố đã có những kết quả bước đầu trong công tác phân luồng hướng nghiệp HS sau khi tốt nghiệp THCS nhưng hiện còn một số mặt hạn chế khiến HS vẫn thờ ơ với các trường TCCN. Bằng chứng là vẫn còn một số HS có năng lực học tập chưa tốt, hoàn cảnh gia đình khó khăn… nhưng vẫn cố vào lớp 10 để rồi nghỉ, bỏ học giữa chừng. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Ðào tạo, năm học 2010-2011, số HS nghỉ, bỏ học THPT là 6.558 em (chiếm tỷ lệ 3,31%).

Hiện nay công tác phân luồng đã đạt một số kết quả nhưng vẫn còn một số hạn chế như nhận thức của xã hội tuy có chuyển biến nhưng chưa thật sâu và đều khắp, công tác tuyên truyền chưa liên tục, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo TCCN chưa đáp ứng nhu cầu người học và xã hội[5]…”.

– Phân luồng sau THCS vào THPT:

Xu hướng học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT tại Tp.HCM ngày càng tăng, trong10 năm qua tỷ lệ này từ 76,34% năm học 2001-2002 tăng lên 88% vào năm học 2011-2012. Chắc chắn rằng xu hướng này sẽ không giảm trong thời gian tới và hậu quả đã được báo trước, đó là sự quá tải của các trường THPT và luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường THCN và trường TC-CĐN sẽ rất nhỏ bé.

– Phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS THPT vào TH-CĐCN và TC-CĐN:

Nét khác biệt của hướng phân luồng vào THCN và TC-CĐN ở chỗ: Nếu như THPT chỉ tiếp nhận những học sinh tốt nghiệp THCS thì THCN và TC-CĐN lại tiếp nhận học sinh tất nghiệp cả hai hệ THCS và THPT.

Riêng đối với TC-CĐN loại trừ một số nghề cần có trình độ văn hoá THPT như cơ khí chính xác, cơ điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, vật liệu mới, sửa chữa động cơ, sinh học v.v. còn đa số các nghề khác chỉ yêu cầu trình độ văn hóa tốt nghiệp THCS.

Nếu như số học sinh phân luồng vào THPT tăng rất nhanh thì ngược lại số học sinh phân luồng vào THCN và TC-CĐN giảm nhanh tương ứng. Năm học 2001-2002 số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào các trường THCN là 11%, vào các trường Dạy nghề là 6,9%, đến năm 2011-2012 số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào các trường THCN là 11%, vào các trường TC-CĐN là khoảng 5%. Trong đó số học sinh tốt nghiệp THPT là 64%, tình trạng này gây lãng phí trong đào tạo, lãng phí tiền của học sinh tốt nghiệp THCS thì các trường lại tuyển học sinh tốt nghiệp THPT [6].

Nhiều HS hiểu được năng lực học tập của mình đến đâu nhưng lại không biết nếu học nghề sẽ có lợi thế gì nên vẫn băn khoăn khi chọn trường nghề. Nếu học THPT xong rồi học nghề các em phải mất 5 năm để có bằng tốt nghiệp THPT và bằng TCCN. Còn nếu sau THCS, các em học thẳng vào trường nghề thì khoảng ba đến bốn năm các em vừa có bằng tốt nghiệp TCCN vừa có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Như vậy, các em sẽ có lợi ít nhất 1 đến 2 năm thời gian học để làm việc sớm. Ngoài ra, sau khi học nghề, HS cũng được liên thông lên cao đẳng, đại học như những HS bình thường khác [7].

Theo chúng tôi, nếu thực sự muốn phân luồng sau THCS thì phải có hệ thống giải pháp, trong đó giải pháp chủ yếu là đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống các trường THCN và trường TC-CĐN để thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường dạy nghề. Điều này càng cấp thiết hơn đối với việc phân luồng tại các vùng nông thôn và miền núi.

2.4. Khó khăn trong công tác phân luồng, hướng nghiệp tại Tp.HCM hiện nay:

– Một bộ phận cha mẹ học sinh còn mang nặng tâm lý chỉ muốn con em tốt nghiệp THPT và tiếp tục con đường học bằng cách cho thi đại học mà không dựa vào năng lực và khả năng của các học sinh. Chưa thấy hết được nhiều con đường định hướng việc học và nghề nghiệp của con em trong tương lai.

– Cha mẹ học sinh thường giao phó cho nhà trường giáo dục đến đâu cũng được, chiều theo ý muốn của con em.

– Nhận thức của một số học sinh và phụ huynh lớp 9 chưa hiểu việc phân luồng, chưa quan tâm đến hướng nghiệp để có những lựa chọn hướng đi phù hợp.

– Chưa có chủ trương, quan tâm đồng bộ và tạo điều kiện trong các cấp quản lý giáo dục (Sở giáo dục, phòng giáo dục, Sở lao động, phòng dạy nghề, phòng lao động ở các quận-huyện); chính quyền địa phương; các cơ sở giáo dục; các cơ sở đào tạo nghề từ trung cấp trở lên; trong việc thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh cuối cấp.

– Nghiệp vụ chuyên môn về tư vấn hướng nghiệp, hướng học và phân luồng học sinh của các giáo viên phụ trách chưa được bồi dưỡng bài bản mang tính chuyên môn sâu, các giáo viên vừa làm vừa rút kinh nghiệm tự học. Điều kiện thời gian và cơ sở vật chất phục vụ việc tư vấn hướng nghiệp còn hạn chế.

– Hiện nay các trường dạy nghề trên địa bàn thành phố thực hiện việc hướng nghiệp mang tính tự phát thông qua mối liên hệ cá nhân, chưa có sự phối hợp nào từ phía Sở giáo dục đào tạo, Sở lao Động thương binh và Xã hội, các quận huyện và các trường THCS, THPT, các trường nghề. Do đó việc thống kê số liệu học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học TC-CĐN thật sự không chính xác,

  1. Vai trò Chính quyền địa phương[8] trong công tác hướng nghiệp:

3.1. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức từ Sở giáo dục, Sở lao động:

– Quán triệt đầy đủ nội dung các văn bản về công tác giáo dục hướng nghiệp đến các trường THCS hoặc các giáo viên từ các trường nghề đảm nhiệm công tác hướng nghiệp.

– Nâng cao sự phối hợp trong công tác tuyên tuyền giữa ngành GD, quận – huyện, phường, trường. Đặt biệt là vai trò của các giáo viên làm công tác phân luồng của trung tâm KTTH-HN và các trường dạy nghề.

  • Tuyên truyền rộng rãi về vai trò và hiệu quả về việc chọn đúng nghề, đúng trình độ thông qua các ấn phẩm của địa phương. Tăng cường tuyên truyền phát thanh về nhu cầu tuyển dụng lao động tại địa phương hoặc các tỉnh lân cận theo các ngành nghề.

– Nhận thức của BGH các trường THCS về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh vào các trường TCCN, TC-CĐN.

– Giáo viên trung tâm KTTH-HN, giáo viên các trường nghề phối hợp cùng BGH các trường tuyên truyền rộng rãi đến phụ huynh học sinh đề án phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS tạo được sự hiểu biết về định hướng học tập của con em.

– Thực hiện hội thảo chuyên đề “Các hướng đi sau tốt nghiệp THCS” cho Ban đại diện cha mẹ học sinh, GVCN và học sinh lớp 9.

3.2. Công tác chỉ đạo – Kiểm tra :

– Phòng Giáo dục, chỉ đạo chặt chẽ trung tâm KTTH-HN và các trường THCS trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo qui định của Bộ GD&ĐT và các hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Theo định kỳ kiểm tra nhằm đánh giá việc thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng và dạy nghề phổ thông ở các trường THCS.

– Cần có sự phối hợp giữa Sở giáo dục đào tạo, Sở lao Động thương binh và Xã hội, các quận huyện và các trường THCS, THPT, các trường nghề trong việc phân định chỉ tiêu đào tạo cho các trường TCCN và TC-CĐN cũng như sự chỉ đạo, kiểm tra công tác hướng nghiệp cho 02 loại hình đào tạo TCCN và dạy nghề hiện nay.

3.3. Công tác giảng dạy nội dung hướng nghiệp- tư vấn hướng nghiệp, hướng học và phân luồng học sinh:

– Giáo viên trung tâm KTTH-HN và các trường TCCN, TC-CĐN được phân công phụ trách trườnghướng nghiệp cần thực hiện tốt các chủ đề theo qui định. Lập các phiếu điều tra hướng nghiệp, hướng học các em học sinh lớp 9; tìm hiểu hoàn cảnh, khả năng, sở thích, điều kiện của học sinh để có biện pháp định hướng tốt cho các em. Đồng thời phân tích được những ưu điểm của việc học nghề sau THCS thay vì phải học xong THPT; chứng minh được những tấm gương điển hình của học sinh thành đạt sau khi học nghề; đặc biệt là thông tin về thị trường lao động (mức lương, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến)…

– Qua các nội dung giáo dục hướng nghiệp giảng dạy trên lớp giáo viên tư vấn giúp các em học sinh có cách nhìn nhận và đánh giá tốt về việc học nghề tại chỗ và sau khi tốt nghiệp THCS. Tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu nghề mà mình có thể chọn trong tương lai.

3.4. Điều tiết phân luồng bằng các chính sách:

– Có chính sách khuyến kích cho người học đi vào luồng giáo dục nghề nghiệp, thể hiện ở chế độ tuyển sinh, chế độ học bổng và học phí. Có thể đưa ra những tiêu chuẩn ưu tiên cho những học sinh có chứng chỉ đào tạo nghề được vay vốn sản xuất, học sinh tốt nghiệp THCS vào luồng đào tạo nghề được vay vốn, giảm học phí và tham gia lao động tạo ra sản phẩm hàng hóa để trang trải một phần chi phí học tập.

– Nhà nước có chương trình cụ thể để phát triển giáo dục nghề nghiệp, trong đó có cả quy hoạch, xây dựng trường, chế độ chính sách, nhất là lập ban chỉ đạo hướng nghiệp phân luồng học sinh các cấp từ trung ương đến địa phương.

– Ủy ban nhân dân thành phố, quận, huyện lập danh sách các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hướng nghiệp với vai trò mỗi doanh nghiệp là một đơn vị hướng nghiệp. Ngoài ra, học sinh THCS học nghề cần được ưu đãi và vận động xã hội xây dựng quỹ hỗ trợ người học nghề, hỗ trợ trường đào tạo nghề.

3.5. Chính sách sử dụng sau đào tạo:

Sở Lao động và Thương binh xã hội chỉ đạo cho các Phòng Lao Thương binh xã hội là đầu mối liên hệ giữa Trung tâm KTTH-HN, Trung tâm giáo dục thường xuyên và trường Trung cấp nghề,… với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp tạo “đầu ra” cho học viên khi tốt nghiệp. Việc đào tạo tại các cơ sở sản xuất, các nhà máy xí nghiệp là giải pháp hữu hiệu cho bài toán phân luồng học sinh sau THCS và THPT.

  1. Kết luận – kiến nghị:

4.1. Kết luận:

Trong những năm qua, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh phân luồng hướng nghiệp học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở. Tuy nhiên, kết quả của việc phân luồng học sinh sau THCS vào TCCN và dạy nghề còn rất thấp (10,6%). Do đó để thực hiện mục tiêu chiến lược phat triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu vào năm 2015 (trong đó trình độ TCN, CĐN chiếm tỷ lệ là 20%) và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người (trong đó trình độ TCN, CĐN chiếm tỷ lệ là 23%)” thì việc phân luồng cho học sinh sau THCS là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên không phải trong một thời gian ngắn có thể làm được, không chỉ riêng Ngành Giáo dục – Đào tạo mà cần phải phối hợp của tất cả các ngành có liên quan để dự báo thị trường lao động về cơ cấu nhân lực; nhu cầu xã hội về đào tạo nghề, tăng quy mô với cơ cấu hợp lý trong phát triển đào tạo nghề, chính sách đào tạo nghề, chính sách về tiền lương của học sinh sau tốt nghiệp TCCN, TCN, CĐN…đó làm cơ sở khoa học để phân luồng học sinh sau THCS và THPT, phục vụ quá trình công nghiệp hóa ở Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, để thực hiện việc phân luồng đạt hiệu quả cao, đòi hỏi sự phối hợp và chỉ đạo, kiểm tra từ phía chính quyền địa phương, nhất là các Sở giáo dục đào tạo, Sở lao Động thương binh và Xã hội, phòng lao động thương binh và xã hội, các trường TCCN, TCN, CĐN và các trường THCS, THPT.

4.2. Kiến nghị:

– Sở GD&ĐT, Sở lao Động thương binh và Xã hội hằng năm có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác tư vấn hướng nghiệp và hướng học cho các giáo viên phụ trách hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông và GV các trường TCCN, TC-CĐN.

– Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Sở GD&ĐT, Sở lao Động thương binh và Xã hội có chủ trương định hướng cụ thể để các địa phương, cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo nghề cùng thực hiện nhiệm vụ phân luồng, đồng thời đề ra chỉ tiêu cụ thể bao nhiêu phần trăm học sinh tốt nghiệp THCS vào TCCN và TCN. Tạo điều kiện sự liên thông trong đào tạo giữa các hệ trường, mở ra nhiều hình thức liên kết trong đào tạo nghề.

– Ủy ban Nhân dân thành phố cần đầu tư đồng bộ về Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề để nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo cho các trường TCN trên địa bàn thành phố.

– Phát triển chương trình liên thông giữa các hệ trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và đại học.

– Các kênh thông tin tuyên truyền cần tuyên dương những gương học nghề giỏi, tịêu biểu tạo chuyển biến nhận thức của xã hội.

– Quy định bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề.

– Các chính sách về chế độ lương cho học sinh tốt nghiệp TCN, CĐN.

  1. Tài liệu tham khảo:
[1] Chiến lược dạy nghề Việt Nam đến năm 2020 – Bộ LĐTB&XH

[2] ThS. Lê Thị Thu Thảo – Giáo dục hướng nghiệp Việt Nam – Trung tâm HTĐT&CƯLĐ

[3] Hồ Văn Thống – Phòng GDĐT Đồng Tháp – Phân luồng học sinh sau THCS và THPT góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp trong thời kỳ hội nhập 2010

[4] ThS. Phạm Văn Khanh – Chủ tịch Hội KHTL&GD tỉnh Tiền Giang – Phân luồng học sinh sau THCS xin hãy hiểu đúng và làm thực lòng

[5] http://www.gdtd.vn

[6]http://www.giaoduc.edu.vn

 

 

[1] Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc XI.

[2] Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020.

[3] Theo đánh giá của PGS.TS Dương Đức Lân về “Cơ cấu nhân lực hiện nay”

[4] Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở – Một giải pháp tích cực để cung ứng nhanh nguồn nhân lực cho xã hội và củng cố chất lượng giáo dục đào tạo ở Quảng Ninh, Ngô Hợi – Trưởng phòng GDCN&GDTX Sở GD&ĐT

 

[5]  Theo đánh giá của giám đốc Sở Giáo dục TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn

[6] Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM năm học 2011-2012.

[7] Theo nhận xét của TS. Lê Ðức Tiến, Phó trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục thành phố TP.HCM).

[8] Chính quyền địa phương bao gồm các sở, ngành quản lý giáo dục, đào tạo nghề, các quận, huyện trong địa bàn thành phố có các trường TCCN, TC-CĐN và các trường THCS, THPT.

Bài viết cùng chủ đề: