Học trường nghề vẫn làm sếp của Thạc sĩ, kỹ sư

24/11/2023
1352 lượt xem

Dàn kỹ sư ở công ty tôi không thể chạy thử một cái máy biến tần trung thế, thua một nhân viên người Nhật học trường nghề.

Điểm tổng kết của sinh viên ngày càng cao nhưng chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp lại không được cải thiện. Đó là nỗi trăn trở của không ít người làm giáo dục Việt Nam. Tình trạng này kéo theo nỗi lo bằng cấp mất giá trị, hay việc kiểm tra đánh giá học sinh, sinh viên giờ đây trở thành vô nghĩa.

Tôi làm việc cho một công ty của Nhật Bản. Một câu chuyện có thật ở công ty tôi là nguyên một dàn kỹ sư nhưng không thể chạy thử một cái máy biến tần trung thế. Đơn giản vì họ không có kinh nghiệm và đặc biệt là “không dám” làm, sợ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố.

Vậy là công ty mẹ phải cử một bạn nhân viên trẻ, 27 tuổi, người Nhật, qua Việt Nam để phụ trách công việc đó. Kể từ đấy, anh chàng người Nhật trở thành “leader”, quản lý luôn nguyên cả team nhân viên người Việt toàn kỹ sư có trình độ đại học, Thạc sĩ. Lạ ở chỗ, khi hỏi ra, tôi mới biết trình độ học vấn của bạn ở Nhật không phải tốt nghiệp đại học, mà bạn chỉ xuất thân từ một trường nghề ở bên đó.

Học hết lớp 9 bạn đã đi học nghề thay vì chọn con đường vào đại học. Cho nên, sau ngần ấy năm lăn lộn thực tế, bạn đã tích lũy được kinh nghiệm chuyên môn bằng cả chục năm so với những người đồng trang lứa đi học đại học. Bạn làm đủ việc, từ những việc nhỏ nhất như siết con ốc, kiểm tra từng thiết bị đo đạc trước khi ra công trường thực hiện công việc, gần như thành thạo mọi loại đồng hồ đo…

>> Ba tháng không đi xin việc vì ‘nghiện’ làm shipper

Bạn không nề hà bất cứ việc gì, miễn là sau đó giúp hệ thống máy chạy mượt mà. Kỹ năng viết báo cáo của bạn cũng cực kỳ chi tiết, tỉ mỉ, viết để cho người khác hiểu chứ không phải làm cho có. Một người như vậy quả thực tạo ra giá trị rất lớn cho công ty.

Một thực tế tôi nhận thấy khi làm việc với người Việt đó là những người cứ hơi có chức sắc một chút là thường chê việc nhỏ, không làm cái này, không làm cái kia, đẩy hết cho nhân viên cấp dưới xử lý. Trong khi đó, ở Nhật, ngay cả sếp kỹ thuật lớn nhất của công ty cũng ra công trường, phơi nắng, phơi gió, lao vào lắp cảm biến lên mô tơ cho khách hàng.

Có thể mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng nói vậy để thấy những khác biệt trong tư duy học tập và làm việc, cũng như định hướng nghề nghiệp là điều mà người Việt cần tiếp thu và học hỏi rất nhiều từ các nước phát triển trên thế giới. Chất lượng đào tạo bậc đại học ở ta cần phải thay đổi một cách toàn diện để trở về đúng thực chất. Có như vậy, chúng ta mới không phải trăn trở trước câu hỏi: “Nhiều bằng giỏi để làm gì?”.

 Nguyen Hoang

Nguồn bài viết: https://vnexpress.net/hoc-truong-nghe-van-lam-sep-cua-thac-si-ky-su..

Bài viết cùng chủ đề: