Võ Nguyên Giáp: Vị nhân tướng tận trung báo quốc

07/04/2022
826 lượt xem

Võ Nguyên Giáp: Vị nhân tướng tận trung báo quốc

Căn cứ kế hoạch số 04/KH-ĐTN-HSSV ngày 01 tháng 04 năm 2022 của Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương về tổ chức Hoạt động kỷ niệm Quốc lễ Giổ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 03, ngày Giải phóng Miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5;

Đoàn trường tổ chức hội thi tìm hiểu về Quốc Lễ Giổ Tổ Hùng Vương, ngày Giải Phóng Miền Nam 30/4 và Quốc Tế Lao Động 1/5 với hình thức trực tuyến.

Đoàn trường sử dụng nội dung để tham khảo cho hội thi:

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2021):

Võ Nguyên Giáp: Vị nhân tướng tận trung báo quốc

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013). (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) – Nhà giáo Hồ Cơ ở phường Thành Công (Hà Nội) đã kính tặng Đại tướng đôi câu đối: Văn lo vận nước văn thành võ/ Võ thấu lòng dân võ hóa văn. Cuộc đời Võ Nguyên Giáp là một võ tướng lừng danh nhưng dường như lại cũng gắn rất chặt với “văn”!

1. Khi sinh thời, ở tuổi 80, Đại tướng vẫn thường đọc lại cho con cháu nghe về những triết lý nhân sinh được thân phụ khai tâm cho ông: Phong tuy độc, bất thích đồng quần/ Hổ tuy bạo, bất thực đồng loại. Nghĩa là: ong tuy độc, không đốt cùng đàn. Hổ tuy ác không ăn đồng loại.

Cha Đại tướng – cụ Võ Quang Nghiêm, vốn là một nhà nho không thành công trên con đường khoa cử Nho học, đã chọn làm thuốc và làm thầy giáo. Vì vậy, những bài học đầu tiên Đại tướng được học chính là từ thân phụ. Người cha kính yêu ấy sau này đã tham gia các phong trào yêu nước, bị thực dân Pháp bắt giam và đã hi sinh trong tù.

Thần tượng đầu đời của Võ Nguyên Giáp là nhà cách mạng Phan Bội Châu. Bởi vậy, ở tuổi 15, khi đang là học sinh Trường Quốc học Huế, ông đã cùng những người bạn của mình là Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn đi vận động trả tự do cho cụ Phan Bội Châu. Vì hành động yêu nước này mà ông các bạn của mình bị đuổi học.

Khác với các vị cách mạng tiền bối khác, Võ Nguyên Giáp gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trễ hơn nhiều. Mãi tới tháng 5/1940, ông cùng đồng chí Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc để gặp Nguyễn Ái Quốc. Trong hồi ký Từ nhân dân mà ra, Đại tướng cho biết khi gặp Bác Hồ, Bác thường dặn ông “cố gắng học thêm quân sự”. Bằng con mắt tinh tường của mình, Bác Hồ đã nhận ra tố chất thiên tài quân sự của Võ Nguyên Giáp từ rất sớm. Vì vậy, mà khi quyết định thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã giao cho ông nhiệm vụ đặc biệt này.

Võ Nguyên Giáp: Vị nhân tướng tận trung báo quốc
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 bàn kế hoạch tác chiến dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (áo đen). (Ảnh tư liệu)

2. Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 110-SL phong hàm đại tướng cho Võ Nguyên Giáp và ông trở thành đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ở tuổi 37.

Trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng đặc biệt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng”. Trong buổi lễ long trọng phong hàm đại tướng, Bác Hồ đã trao Sắc lệnh cho ông với lời nhắn nhủ: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho”.

Trong trận đối đầu lịch sử tại Điện Biên Phủ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định giao cho ông toàn quyền chỉ huy với lời căn dặn: “Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn”. Để đáp lại sự tin tưởng tuyệt đối này, Võ Nguyên Giáp đã có những quyết định lịch sử, đặc biệt là quyết định từ “đánh nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chính quyết định này cùng với việc trân quý từng giọt máu của người lính đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, mệnh lệnh nổi tiếng nhất mà ông chỉ đạo là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

Trong quá trình trưởng thành của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, cho đến nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng tư lệnh duy nhất.

Võ Nguyên Giáp là một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Hầu như những vị tướng, những người lính dưới quyền luôn dành cho ông sự tin yêu và ngưỡng mộ gần như tuyệt đối.

Thượng tướng, giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao, đánh giá về ông: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa đảm bảo thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất”.

Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nói: “Võ Nguyên Giáp là một Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”.

Nhà báo, nhà sử học nổi tiếng Bernard Fall, người chuyên viết về chiến tranh Việt Nam, đã đánh giá về Võ Nguyên Giáp: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp với Võ Nguyên Giáp”.

Tướng Christian de Castries, người chỉ huy cao nhất của quân đội Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ, thì “tâm phục khẩu phục”: “Tôi thừa nhận tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cogny và tướng Navarre. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.

Võ Nguyên Giáp: Vị nhân tướng tận trung báo quốcSắc lệnh số 110-SL ngày 20/1/1948 của Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp – Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ. (Ảnh tư liệu)

3. Là người sớm nhận ra vai trò của kinh tế biển và sự kết hợp giữa kinh tế biển với quốc phòng, năm 1977, ông đã đề xuất chiến lược khoa học biển và kinh tế miền biển. Cũng từ năm 1977, ông đã nghĩ đến một nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó thành phần tư nhân được ông rất chú ý.

Khi làm Phó Thủ tướng và không kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được giao phụ trách công tác khoa học và kỹ thuật, với bộ óc của một nhà chiến lược tài ba, bằng trái tim nhiệt huyết của một trí thức, Đại tướng đã tiếp tục tận tâm, tận lực, kiên trung báo quốc.

Là người từng viết tác phẩm Vấn đề dân cày từ năm 1937, ông hiểu nỗi khổ nhọc, vất vả của nông dân. Vì vậy, ông chủ trương huy động lực lượng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống của nhân dân. Đại tướng khẳng định: “Mục đích của thông tin khoa học không phải chỉ để biết mà là để làm, thông tin phải đưa đến hành động, đưa đến sản xuất”.

Võ Nguyên Giáp: Vị nhân tướng tận trung báo quốcChủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1957. (Ảnh tư liệu)

Sinh thời, Đại tướng rất quan tâm đến đến sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là xây dựng và đào tạo đội ngũ nhà giáo. Ông cho rằng: “Để thực hiện chiến lược giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục quốc dân, phải đặc biệt quan tâm đến ngành sư phạm, đến việc xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị và năng lực chuyên môn cao. Có chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Đồng thời chú trọng nâng cao vị thế người thầy bằng nhiều biện pháp mà trước hết là tạo động lực và mọi điều kiện vật chất, tinh thần để đội ngũ thầy cô giáo có thể phát huy cao nhất năng lực và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp cao cả: nâng cao tiềm năng trí tuệ của toàn xã hội”.

Đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, Đại tướng căn dặn, tiền đồ của dân tộc nằm trong tay thanh thiếu niên và nhắc nhở thanh thiếu niên phải lấy việc chung trên hết thảy, làm việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của nước nhà, lợi ích của tập thể, lợi ích của cơ quan trước hết chứ không nên nghĩ đến lợi ích cá nhân.

4. Người xưa đúc kết: “Gian nan là nợ anh hùng phải vay”. Đúc kết này rất đúng với cuộc đời Đại tướng. Trong những giờ khắc khó khăn của cuộc đời mình, ông luôn tin tưởng tuyệt đối vào người thầy Hồ Chí Minh của mình, tin vào con đường mà dân tộc phải đi.

Cho tới những năm cuối đời, dù đã ở tuổi trăm, trái tim yêu nước, thương dân của nhà trí thức, vị Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp vẫn thổn thức đập cùng nhịp của nhân dân. Ông đã liên tục có những ý kiến đóng góp xây dựng về nhiều vấn đề quốc kế dân sinh vì lợi ích quốc gia, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Võ Nguyên Giáp: Vị nhân tướng tận trung báo quốcTạp chí danh tiếng Time của Mỹ từng 3 lần sử dụng chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm trang bìa. (Ảnh tư liệu)

Ngày ông giã biệt cuộc đời này, người dân cả nước đã dành sự tiếc thương và kính trọng đặc biệt đối với ông. Tài năng và đức độ cao vời vợi của Đại tướng đã giúp người dân đất Việt hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn, đoàn kết nhau. Còn nhớ, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, lãnh tụ Cuba Fidel Castro, người bạn lớn thân thiết của Việt Nam đã đánh giá về Người trong bức điện chia buồn: “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc về một lớp người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt”. Nhìn lại những ngày mà dân tộc Việt Nam tiễn biệt vị tướng kính yêu của mình, chắc hẳn ai ai cũng đều nhận thấy đánh giá trên thật đúng với Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân vật toàn tài, một võ tướng – nhân tướng của thời đại Hồ Chí Minh, một Đại tướng lừng danh đã tận trung báo quốc. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc yêu nước tiền bối của dân tộc, tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ mãi mãi ngự trị trong ngôi đền thiêng của dân tộc và trong trái tim, khối óc của mỗi người Việt Nam yêu nước.

Vũ Trung Kiên

Theo nguồn: https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/vo-nguyen-giap-vi-nhan-tuong-tan-trung-bao-quoc-1491882880

Bài viết cùng chủ đề: