Thông báo về cảnh báo các thủ đoạn, hành vi lừa đảo phổ biến hiện nay

24/12/2024
132 lượt xem

Thời gian gần đây, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn đa dạng, hết sức tinh vi đang có xu hướng tăng mạnh mẽ, đặc biệt phổ biến trên không gian mạng. Nhằm tăng cường ý thức cảnh giác của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động và người học, Nhà trường cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay, tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa và các kênh thông tin chính thống của Nhà trường. Cụ thể như sau:

I. CẢNH BÁO CÁC THỦ ĐOẠN, HÀNH VI LỪA ĐẢO PHỔ BIẾN

  1. Hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại

Thứ nhất, giả danh các cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án… gọi điện, nhắn tin thông báo về hành vi phạm tội, đang bị truy nã hoặc phục vụ điều tra, chấp hành án phạt hoặc đề nghị hỗ trợ thủ tục hành chính đối với việc định danh cá nhân, làm căn cước công dân, hộ khẩu, sau đó các đối tượng xấu yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, cài đặt các phần mềm ứng dụng và truy cập, nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo cắt ghép khuôn mặt nạn nhân rồi ghép vào các hình ảnh từ các video trên Internet có nội dung nhạy cảm, sau đó gọi điện và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để chuộc hoặc ngăn không phát tán các hình ảnh, video này.

Thứ ba, giả danh nhân viên ngân hàng để lừa khách hàng truy cập vào đường link giả, sau đó yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật như tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ… để rút tiền từ tài khoản của nạn nhân.

Thứ tư, giả danh người giao hàng (shipper) lừa đảo khách hàng, chiếm đoạt tài sản, như lừa khách hàng đã chuyển nhầm vào số tài khoản đăng ký hội viên, sau đó các đối tượng xấu thao túng tâm lý của khách hàng bằng cách hối thúc, hủy đăng ký hội viên thông qua các đường link theo hướng dẫn (nếu không sẽ bị trừ tiền hội viên định kỳ), khiến nhiều nạn nhân bị mất nhiều tiền trong tài khoản.

Thứ năm, giả danh là nhân viên bưu điện gọi thông báo nhận bưu phẩm, trưng thưởng các mặt hàng giá trị lớn, yêu cầu chuyển tiền cọc, đóng lệ phí để nhận hàng, nhận thưởng rồi chiếm đoạt.

  1. Hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Thứ nhất, các đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức tuyển dụng cộng tác viên online “làm nhiệm vụ” trên các sàn thương mại điện tử để hưởng hoa hồng, hứa hẹn mỗi nhiệm vụ hoàn thành sẽ được trả tiền gốc và nhận tiền hoa hồng rất cao, từ 10-50%. Tuy nhiên, không chỉ không nhận được hoa hồng, mà nạn nhân còn mất rất nhiều tiền sau khi thực hiện “nhiệm vụ” bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng xấu.

Thứ hai, các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo, lừa đảo chạy quảng cáo các bài đăng với nội dung “hỗ trợ lấy lại tiền”, “cam kết lấy lại được tiền bị lừa”, bên dưới là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác. Các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa đảo và chuyển khoản thành công “tiền phí dịch vụ”. Tuy nhiên, khi nạn nhân chuyển khoản, các đối tượng sẽ thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về, sau đó chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân.

Thứ ba, các đối tượng lập hoặc chiếm đoạt quyền quản trị tài khoản cá nhân (hack tài khoản Facebook, Zalo, Viber, Telegram, Threads…) của nạn nhân rồi nhắn tin “mượn tiền” người thân, bạn bè của chủ tài khoản để chiếm đoạt tài sản.

Thứ tư, các đối tượng lợi dụng nhu cầu cao về phương tiện di chuyển giá cả phải chăng vào các dịp Lễ, Tết, để đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành cho vé máy bay hoặc tàu, xe, sau đó lừa nạn nhân chuyển tiền và không gửi về.

Bên cạnh đó, hiện nay còn tồn tại rất nhiều hình thức lừa đảo khác được các cơ quan chức năng, báo chí thường xuyên đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng (xem thêm thông tin tại “Cẩm nang nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến” của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đính kèm theo thông báo này).

II. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA

Để phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế các thiệt hại xảy ra, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra Quy tắc 06 không trong Cẩm nang nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến. Cụ thể như sau:

  1. Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
  2. Không kết bạn và nói chuyện với người lạ, đặc biệt là những tài khoản có hình ảnh ngoại hình đẹp và bắt mắt. Tuyệt đối không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích đối tượng.
  3. Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc.
  4. Không có cán bộ cơ quan nhà nước, bộ công an, viện kiểm sát, tòa án hay đơn vị tài chính nào gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân hay đóng tiền.
  5. Không thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không đặt cọc, chuyển khoản tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào.
  6. Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận “phi thực tế” mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” …

Nhà trường khuyến nghị các đơn vị tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, viên chức, người lao động và người học thường xuyên nâng cao ý thức cảnh giác và thực hiện các biện pháp theo Quy tắc 06 không nêu trên.

III. CÁC KÊNH THÔNG TIN CHÍNH THỐNG CỦA NHÀ TRƯỜNG

Nhằm đảm bảo cung cấp thông tin chính xác đến cán bộ, viên chức, người lao động và người học về các hoạt động của Nhà trường, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương giới thiệu các kênh thông tin chính thống như sau:

  1. Trang thông tin điện tử (website): “Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương”. Đường link: https://hungvuongtech.edu.vn/
  2. Fanpage Facebook “Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương”:
    Đường link: https://www.facebook.com/trungcaphungvuong
  3. Zalo: https://zalo.me/1893543442423360294

Đối với các trang thông tin điện tử (website), email của các đơn vị trong Trường đều gắn tên miền https://hungvuongtech.edu.vn/, email: (“tênđơnvi” hoặc “tendonvi” @hungvuongtech.edu.vn) (tham khảo thông tin chi tiết tại https://hungvuongtech.edu.vn). Bên cạnh đó, người học khi cần có thể liên hệ Phòng Công tác học sinh, sinh viên qua điện thoại: 028 3957 4922 hoặc liên hệ qua email: phongcthssv@hungvuongtech.edu.vn.

Ngoài ra, nếu phát hiện các hành vi nghi vấn lừa đảo cán bộ, viên chức, người lao động và người học có thể đến trình báo tại cơ quan công an gần nhất hoặc liên hệ qua:

  • Đường dây nóng của Cục An toàn thông tin: 024.3209.6789;
  • Đường dây nóng Lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh: 113;
  • Đường dây nóng Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053;
  • Đối với người dân tại TP. Hồ Chí Minh: gọi đến số điện thoại đường dây nóng 069.318.7200.

Thông báo xem tại đây

Trân trọng./.