Hơn 30.000 chỗ học cho thí sinh Sài Gòn rớt lớp 10 công lập

07/05/2018
482 lượt xem

Học sinh không trúng tuyển THPT công lập có thể vào trường trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên hoặc THPT tư thục.

Chiều 4/7, ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, số lượng tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập là 68.000 trên tổng số hơn 87.000 thí sinh dự thi, do vậy có hơn 20.000 em phải học ở các hệ khác.

Tuy nhiên, TP HCM còn hơn 30.000 chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trung tâm giáo dục thường xuyên quận huyện và các trường THPT ngoài công lập. Những thí sinh rớt hệ công lập có thể đăng ký học các trường này. Đây cũng là kế hoạch phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS của thành phố nhiều năm qua.

“Bằng tốt nghiệp hệ bổ túc với hệ THPT không có sự phân biệt, các trường đại học, cao đẳng đều chấp nhận. Giải pháp này để các em không trúng tuyển chọn tiếp con đường học vấn phù hợp với năng lực, đảm bảo được việc đi lại và sức khỏe”, ông Hiếu nói.

Sau khi học trung cấp nghề, các em có thể đi làm hoặc học liên thông cao đẳng, đại học phù hợp. Với các trường THPT ngoài công lập, theo ông Hiếu, thành phố sẽ tạo điều kiện để họ được quyền chủ động tuyển sinh trong thời gian hè và kết thúc trước 15/8, dài hơn các trường công lập.

Thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Điểm chuẩn trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4) tăng đột biến

Về điểm chuẩn của 103 trường THPT, ông Hiếu nói hầu hết các trường có điểm trúng tuyển tương đương với năm trước, chứng tỏ đề thi cũng như chất lượng giảng dạy ở các trường ổn định. Riêng THPT Nguyễn Trãi (quận 4) có điểm chuẩn biến động lớn nhất là với 22,75 điểm (tăng 7,75). Nguyên nhân là học sinh năm nay nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng tăng rất mạnh.

Điểm chuẩn cao nhất là trường THPT Nguyễn Thượng Hiền với nguyện vọng là 41, tiếp theo là Trung học thực hành Đại học Sư phạm TP HCM với 39,5 và Gia Định là 38,75. Trường Trần Phú duy trì điểm chuẩn ở mức tốt trong khu vực quận Tân Phú nhiều năm qua với 38,25 điểm.

“Điểm chuẩn năm nay ổn định ở các trường tốp đầu, riêng ở tốp giữa mức điểm chuẩn tăng trung bình từ 1 đến 2”, ông Hiếu nói và cho biết THPT Gia Định, Võ Thị Sáu, Nguyễn Du có điểm chuẩn nguyện vọng 1 tăng 1,25 so với năm ngoái. Riêng trường THPT Bùi Thị Xuân có điểm chuẩn giảm 1.

Mức điểm chuẩn thấp vẫn thuộc về các trường ở huyện ngoại thành như: THPT Bình Khánh, An Nghĩa (huyện Cần Giờ) với 15 điểm; THPT Trung lập (huyện Củ Chi) lấy 16,25 điểm. Điều này đã phản ánh tình trạng học sinh tại đây chưa theo kịp với đổi mới của đề, đồng thời do giáo viên chưa kịp thay đổi việc giảng dạy theo chỉ đạo của Sở.

“Nhiều năm tới, đề thi không còn tính hàn lâm, nhất là môn Toán, mà yêu cầu học sinh phải học, hiểu, vận dụng để giải quyết những vấn đề thực tiễn”, Phó giám đốc Sở Giáo dục nói và cho biết sẽ tập huấn, hỗ trợ chuyên môn để giáo viên các trường này theo kịp.

Hồ sơ nhập học gồm:

1. Đơn xin dự tuyển lớp 10 có ghi 3 nguyện vọng ưu tiên xét vào các trường trung học phổ thông.

2. Phiếu báo điểm tuyển sinh lớp 10 trên đó có ghi 3 nguyện vọng.

3. Học bạ cấp trung học cơ sở (bản chính).

4. Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (bản chính). Học sinh mới công nhận tốt nghiệp nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp (tạm thời) do các cơ Sở Giáo dục cấp và nộp bản chính văn bằng vào hồ sơ khi được Phòng Giáo dục cấp phát bằng.

5. Bản sao giấy khai sinh hợp lệ.

6. Giấy xác nhận được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích (nếu có) do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Thời gian để học sinh nộp hồ sơ nhập học từ ngày 5 đến hết ngày 27/7.

Nguồn: Mạnh Tùng – Báo vnexpress

Bài viết cùng chủ đề: