Cử nhân giấu bằng đại học, đi lao động phổ thông

28/12/2020
766 lượt xem
Năm nay, nhiều địa phương tăng cao số học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp. Theo nhiều người, một phần do thực trạng tốt nghiệp đại học ra trường không thể xin được việc làm đúng ngành nghề đã tác động rất lớn đến nhận thức của học sinh.

 

Nhiều học sinh bắt đầu có xu hướng chọn bậc học phù hợp để ra trường có được việc làm

MỸ QUYÊN
Ông Thái Huy Vinh, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết việc có hơn 40% học sinh (HS) của tỉnh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT mà không xét tuyển đại học (ĐH) là một quá trình, từ khoảng 3 năm nay, mỗi năm lại tăng hơn một chút. Trong số này, có khoảng 10.000 HS đi du học bằng nguồn học bổng hoặc du học tự túc, xấp xỉ 20.000 HS học nghề…
Bình luận về điều này, ông Vinh cho biết có rất nhiều nguyên nhân. Bên cạnh làm tốt công tác hướng nghiệp phân luồng thì việc chứng kiến các cử nhân tốt nghiệp ĐH ra trường không thể xin được việc làm đúng ngành nghề đã tác động rất lớn đến nhận thức của HS và gia đình các em.
Theo ông Vinh, mỗi năm Nghệ An có ít nhất hơn 2.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường nhưng không có việc làm. Rất nhiều em phải “giấu” bằng ĐH để đi xin làm công nhân, lao động phổ thông mà các đơn vị tuyển dụng chỉ yêu cầu tốt nghiệp THPT hoặc THCS… Nhiều em phải tham gia các khóa đào tạo nghề ngắn hạn để có thể xin được việc làm thay vì ngồi chờ việc với tấm bằng ĐH.
” Học ĐH là phải học trường “xịn”, có thương hiệu để xin được việc chứ không phải cứ vào ĐH cho… oai. Học nghề cũng vậy. Nghĩa là đào tạo thầy phải ra thầy, thợ phải ra thợ”
Ông Thái Huy Vinh (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An)
Ông Hoàng Đức Minh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu thì cho biết: “Với đặc thù một tỉnh miền núi khó khăn như Lai Châu, càng ngày các em càng nhận thức rõ việc học ĐH chỉ phù hợp với những HS thực sự có năng lực. Các trường THPT cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để HS học nghề phù hợp với sở trường, nguyện vọng và điều kiện kinh tế của mình”.

Với những địa bàn thuận lợi, các tỉnh, thành phố lớn thì việc HS đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT không hẳn các em sẽ đi học nghề mà chủ yếu là HS và gia đình đã có định hướng rõ ràng về việc sẽ đi du học nước ngoài. Những em có học lực trung bình thì chọn giải pháp đăng ký xét tuyển vào các trường chỉ xét học bạ cấp THPT. Năm 2019, cả nước có tới gần 100 trường ĐH chỉ xét học bạ THPT để tuyển sinh.
Tuy nhiên, ông Thái Huy Vinh cho rằng chủ trương của Nghệ An mấy năm vừa qua là phải quyết liệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho HS để các em có định hướng lựa chọn hình thức đào tạo chuyên nghiệp ngay chứ không phải sau 4 – 5 năm học ĐH không xin được việc làm rồi mới chọn nghề để đào tạo lại cho dễ kiếm việc. “Học ĐH là phải học trường “xịn”, có thương hiệu để xin được việc chứ không phải cứ vào ĐH cho… oai. Học nghề cũng vậy. Nghĩa là đào tạo thầy phải ra thầy, thợ phải ra thợ”, ông Vinh chia sẻ. Muốn như vậy, các địa phương phải có hệ thống trường dạy nghề tốt, với đề án phân luồng, hướng nghiệp của tỉnh thì HS được học nghề miễn học phí, đi thực tập có lương, sau 3 năm ra trường có việc làm ngay.

Tìm cách để trường nghề thu hút học sinh

TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp VN, cho rằng tỷ lệ HS lớp 12 không đăng ký xét tuyển vào ĐH ngày càng cao là một dấu hiệu tích cực. Nhưng cần nghiên cứu sâu hơn về nguyên nhân có hiện tượng trên. Ngay từ lúc này, cần tích cực tư vấn hướng nghiệp để những HS không chọn ĐH phải theo các khóa đào tạo nghề. Không thể để các em lêu lổng, không học hành gì, vì điều đó rất nguy hiểm.
Nhiều địa phương chưa thống kê cụ thể HS tốt nghiệp THPT không học ĐH, CĐ sẽ đi đâu, làm gì. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu Hoàng Đức Minh thừa nhận trong số hơn 70% HS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT nhưng Lai Châu cũng chưa thống kê cụ thể sau đó các em có học nghề hay đi lao động ngay. Chỉ biết rằng vài năm gần đây, các trường nghề trên địa bàn tỉnh rất tích cực trong công tác tiếp thị tuyên truyền. Không ít trường tạo điều kiện ăn ở miễn phí cho HS, có tiền hỗ trợ trong quá trình vừa học vừa làm và đảm bảo có việc làm sau khi tốt nghiệp… Lai Châu cũng đang dự kiến phấn đấu đến năm 2025 có 70% trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 80% trường có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ…
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng đề nghị việc hướng nghiệp và phân luồng HS là yêu cầu tất yếu trong giáo dục phổ thông. Đây cũng là đòi hỏi của thực tiễn, nhưng luật Giáo dục lại không quy định cụ thể về nội dung này. Vì vậy, tại luật Giáo dục (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến, cần xem lại định nghĩa về “hướng nghiệp”, “phân luồng” để bảo đảm tính minh bạch trong việc thực thi luật.
Hiện đại hóa các trường nghề thông qua dự án của chính phủ Pháp
Ngày 10.5, Cơ quan Phát triển Pháp AFD đã tổ chức khánh thành tòa nhà thân thiện môi trường E-Building tại Trường CĐ quốc tế Lilama 2 do chính phủ Pháp tài trợ, đồng thời tổ chức hội thảo với chủ đề: Hiện đại hóa các trường nghề tại VN: giải pháp chính giúp thanh niên hội nhập nghề nghiệp.
Đây là hoạt động nằm trong dự án Đầu tư phát triển các trường dạy nghề chất lượng cao được chính phủ Pháp tài trợ 25 triệu euro. Dự án được xây dựng nhằm đào tạo nhân lực lao động kỹ thuật có trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước của VN, với sự đầu tư đồng bộ từ chương trình, giáo trình, thiết bị cho đến việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực của các trường. Đặc biệt, các chương trình đào tạo chuyển giao miễn phí từ Pháp được hiệu chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của VN cho 5 lĩnh vực nghề đầu tư, đã được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền của Pháp. Mỹ Quyên

 

(Theo: Báo Thanh niên)