Bớt đi sinh viên đại học mà… mừng quá!

28/12/2020
548 lượt xem

(Dân trí) – Một thông tin vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố về đăng ký xét tuyển đại học năm 2019 cho thấy, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, cả nước đã có hơn 886.000 thí sinh đăng ký tham dự.

Đáng chú ý là trong số này có hơn 650.000 thí sinh xét tuyển đại học và có 279.001 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, chiếm khoảng 27,8% tổng số thí sinh trên toàn quốc.

Mặc dù đây là những con số thống kê chưa đầy đủ, song chừng đó cũng đủ mang đến một dấu hiệu đáng mừng!

Vì sao việc hơn 1/4 thí sinh cả nước không có ý định xét tuyển vào đại học lại đáng mừng? Có ngược đời quá hay chăng? Xin thưa, có nhiều cái lý để chúng ta vui mừng về điều này:

Thứ nhất, sau vụ gian lận điểm thi gây “rúng động” hồi năm ngoái, rút kinh nghiệm, Sở Giáo dục và Đào tạo của một số địa phương đã cấp tập lên kế hoạch để siết chặt hơn công tác tổ chức thi.

Đơn cử như Ninh Bình cũng đang gấp rút chủ động phối hợp với công an để triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi; đặc biệt là tổ chức cách ly cán bộ khâu in sao đề thi, làm phách hết sức nghiêm ngặt.

Như vậy, những học sinh trong quá trình học phổ thông tự cảm thấy mình học lực yếu kém, tự thấy mình không có cơ hội gian lận thì sẽ tự rút lui. Đừng nói là có thể một bước nâng điểm từ 0 đến 9, e rằng năm nay, dù có con “ông to bà lớn” thế nào thì hi vọng ăn gian vài điểm để đỗ THPT cũng khó! Chẳng ai dại gì gian dối để… vào tù cả!

Thứ hai, những con số nói trên cũng cho thấy sự chuyển biến tích cực trong tư duy giáo dục của một số học sinh và của phụ huynh.

Ngoại trừ những em trong số này dự kiến du học nước ngoài (chỉ chiếm tỷ lệ rất ít) thì lượng lớn thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học năm nay có thể đã có thái độ chủ động hơn với quyết định quan trọng của cuộc đời, đã nhìn nhận lại, suy xét lại vai trò của kỳ thi vốn được coi là có tính chất “cột mốc” này.

Cần phải khép lại thời của những cuộc liên hoan “mổ bò, mổ trâu” khao đỗ đại học; thời của những cậu ấm cô chiêu quần là áo lượt vào đại học, tiêu tốn bao mồ hôi, tiền bạc để rồi kết cuộc lại làm trái ngành trái nghề, tự thấy mình mất phương hướng, không đam mê…

Những tư duy cũ kỹ, thói “sính bằng cấp”, “sĩ diện hão” đã khiến bao nhiêu thế hệ thanh niên bị lỡ mất cơ hội nghề nghiệp. Và nói thẳng ra, không ít trường hợp sinh viên tốt nghiệp đại học, cầm trong tay tấm bằng cử nhân, thạc sĩ để rồi về làm lao động phổ thông… không phải là không có nguyên nhân chủ quan từ chính các em, từ định hướng sai lầm của gia đình.

Không cổ xuý cho các em học sinh bằng mọi giá phải kiếm lấy tấm bằng đại học, song tôi cũng muốn lưu ý các em rằng, điều đó không có nghĩa là việc học không quan trọng. Các em không học đại học, nhưng bắt buộc sẽ phải chuẩn bị sẵn tinh thần tự học suốt đời để bồi đắp kiến thức, kỹ năng cho công việc thực tế mà các em theo đuổi.

Nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức hiện đã không còn quá quan trọng về thủ tục bằng cấp. Họ tuyển người chứ không tuyển bằng nên chỉ yêu cầu hồ sơ là bảng điểm, chứng nhận tham dự hết một chương trình đào tạo nào đó, kiểm tra năng lực thực tiễn và ngoại ngữ (nếu cần), nếu đáp ứng được là đã có thể vào làm việc.

Rất nhiều người tưởng như có trình độ, nhưng thực ra lại chỉ là đang “sở hữu một số kỹ năng trong thi cử” không hẳn là có năng lực. Dù là “nhà báo quốc tế” hay “thủ khoa, á khoa đại học” mà hoàn toàn chỉ là thùng rỗng, rốt cuộc “kim trong bọc cũng có ngày lòi ra” thôi!

(Theo: Bích Diệp – PV báo Dân trí)